Tài liệu tiếng việtⓄ Bài học về tôn trọng sự khác biệt từ cô bé tóc xù Ⓞ

Được viết bởi: Dương Chii


Sin trèo :> Thêm một bài nữa theo chiều hướng bài học nè :D Để xem các bạn học được bài gì nhé ! Học luôn nào :D

Ngắm ảnh (time)


Ảnh minh họa/internet

GD&TĐ - Câu chuyện về một cô bé T.N với thân hình mũm mĩm, mái tóc xù cùng những lọn tóc xanh được kẹp là "bài toán khó" nhưng lại cho cô bài học về tôn trọng sự khác biệt với cô giáo Phạm Ngọc – Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Cô giáo kể :

Cô tổ chức một trò chơi nhỏ để cô trò hiểu nhau nhiều hơn, đồng thời các bạn cũng nhớ mặt, nhớ tên nhau để còn thân thiết. T.N liên tục “yêu cầu” các bạn nhớ tên mình. Cách nói chuyện đầy ồn ào của cô trò nhỏ khiến một vài bạn trong lớp không thoải mái. Nhưng chí ít, ngày hôm ấy, cả lớp chẳng ai không nhớ tên cô bé!

Những buổi học tiếp theo, vẫn mãi mái tóc xù lọn xanh và chiếc quần mài gối, T.N đến lớp theo cách riêng của mình. Tôi lặng lẽ quan sát, đợi chờ một tín hiệu “hiểu chuyện” từ cô bé. Nguyên khá ồn ào, con tranh luận nhiều với các bạn trong lớp, bất kể là tiết học hay về chuyện ngoài lề, cứ đâu có con không khí sẽ “náo nhiệt” như một cuộc cãi vã.

Một buổi trưa khi cô đang khẽ ngắm những lọn tóc được cặp gọn giấu phía sau của Nguyên, cô bé khẽ nói:

- Cô yên tâm, con sắp nhuộm lại rồi.

- Sao con biết cô nhìn những lọn tóc ấy?

- Ai nhìn thấy nó cũng sẽ chú ý thôi ạ. Con biết vậy mà. Con cũng chỉ có ý định nhuộm trong mấy hôm du lịch hè thôi. Cuối tuần này khi được nghỉ, con sẽ khiến nó biến mất – con bé nháy mắt tinh nghịch.

- Con biết vậy là tốt rồi, mong sớm thấy mái tóc đen của con.

- Con thực sự không hiểu, tại sao người lớn lại có sự phân biệt về màu tóc và thời trang? Mái tóc màu xanh và chiếc quần rách gối đâu khiến cô nghĩ con hư phải không ạ? Vì nó chẳng nói lên nhân cạch con người. Con biết đó là nội quy, nên ngay từ tuần học mới tóc con sẽ đen và quần sẽ lành lặn – Nguyên cười lém lỉnh – Nhưng con mong một ngày nào đó, tất cả mọi người sẽ cho màu tóc quyền bình đằng của nó.

- Tốt thôi cô bé hiểu chuyện, tự giác ghi nhớ nội quy thế là tốt rồi. Giờ thì chuẩn bị đi ngủ nhé!

Cuộc nói chuyện kết thúc chóng vánh, nhưng lại thêm một lần nữa, cô bé làm tôi phải ấn tượng. Hóa ra không chỉ thích tranh cãi với các bạn, cô học trò ấy cũng thật biết cách lý luận với thầy cô!

Và đúng là vậy, kể từ tuần sau ấy, mái tóc đã đen hơn, chiếc quần lành lặn và áo phông cũng tiết chế hơn nhiều. Tuy nhiên cô nhóc ấy vẫn ồn ào và náo nhiệt ở bất cứ nơi đâu có thể: Trong tiết học, giờ ra chơi, với thầy cô, với bạn bè! Cô bắt đầu lo lắng, sự “nổi loạn” ấy có thể gây ra những xung đột không đáng có.

Và rồi điều gì tôi lo lắng cũng đến. Sau 3 tuần nhập học, một buổi trưa, Nguyên bỏ cơm và nằm ôm chăn khóc. Cô bé khóc rất nhiều, cái ôm của tôi không đủ khiến học trò ngừng khóc. Và tuyệt nhiên T.N không nói con khóc về điều gì.

Hết giờ ngủ trưa, tôi nhận được một tin nhắn từ mẹ bé: “Bống muốn chuyển trường em à!” Một tin nhắn vẻn vẹn vài chữ nhưng đủ khiến lòng tôi trùng xuống đến vô tận. Tôi trao đổi với chị một số thông tin và tình hình của con, lượng thông tin nhận lại là “Bạn ấy muốn được chuyển trường ngay, dù chị đã nói với con sẽ chuyển vào cuối kì.”

Nhận được thông tin ấy, sự hụt hẫng thêm một lần nữa tìm cách trải dài ra trong tôi. Hết giờ, không để tôi có cơ hội gặp riêng, con bé chạy nhanh ra khỏi lớp để về. T.N đủ thông minh và nhạy bén để cảm nhận về cuộc gặp tôi muốn với con. Không lẽ thất bại? Tôi thoáng nghĩ. Tối hôm ấy, tôi gửi Nguyên một link nhạc, thể loại nhạc mà tôi đoán con thích. Bởi có đôi lần tôi thấy cô bé ngâm nga giờ ra chơi, thật may ấy cũng là bản tôi thích vô cùng.

- Cô cũng nghe Ngọt ạ?

- Là một phần của mỗi tối đó con – tôi nhắn lại ngắn gọn.

- Ôi bất ngờ thật đấy ạ. Chưa có cô giáo nào nghe nhạc Ngọt giống con – Một vài trái tim được con bé gửi.

- Vậy sao cô bé nghe nhạc Ngọt hôm nay khóc? – Tôi không ngại hỏi thẳng, bởi ai nghe nhạc Ngọt chẳng thích sự thẳng thắn!

- Vì các bạn không chơi với con…

- Con đoán vì sao?

- Vì con hay cãi nhau với các bạn. Có lẽ các bạn nghĩ con kiêu căng, hay coi thường người khác.

- Sao con nghĩ thế?

- Vì lúc tranh luận, con hay chêm một số điểm yếu của các bạn để mọi người vui, nhưng có lẽ các bạn chưa quen điều ấy nên khó chịu với con. Các bạn ở trường cũ con không thế.

- Chẳng ai dễ dàng đối diện với điểm yếu của mình con à. Đặc biệt là khi nó bị khui ra như một tiếng cười châm chọc. Ngay cả con cũng vậy, khi biết các bạn không chơi với mình, biết điểm không tốt của bản thân, con cũng định chạy trốn bằng việc chuyển trường đó thôi?

- Nhưng con sợ cảm giác không ai chơi cùng…

- Đến hoa quả cỏ cây còn cần thời gian để chín, để nở cơ mà. Con có thường đọc sách không? – Tôi chuyển nhanh chủ đề để tránh làm mọi chuyện nặng nề. Bởi tôi biết với T.N nói vậy là đủ. Cô bé cần thời gian để suy nghĩ.

- Con có thói quen đọc sách từ lúc biết chữ. Bây giờ con có một phòng sách riêng rồi ạ.

- Bảo sao tuổi 15 của con hiểu chuyện đến đến thế.

Và cứ thế, cuộc nói chuyện của cô trò tôi kéo dài từ chủ đề này sang chủ đề khác. Cô bé kể tôi nghe đủ chuyện, nào là cách bố rèn thói quen đọc sách và dậy lúc 5h sáng; chuyện mẹ hàng ngày dặn dò giảm cân, chuyện ông bà, bạn bè, cứ thế, cứ thế. Một vài ngày sau Nguyên không còn nói đến việc chuyển trường nữa.

Sau buổi cả lớp cùng xem bộ phim hoạt hình ngắn về nhím con và thảo luận chủ đề TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT, Nguyên vẫn ồn ào như cách con vẫn chọn, nhưng khéo léo hơn và bớt gai góc hơn.

Cô bé ấy là một “bài toán khó” với tôi bởi sự thông minh, cá tính; sự hiểu biết và nhạy cảm của con! Cái tôi tuổi 15 không cho phép con được dễ dàng khuất phục và chịu nghe theo lời ai. Cách duy nhất chính là, con hiểu và con làm. Mọi mắng mỏ, nhắc nhở sẽ khiến cái tôi tuổi 15 ấy xù lông và phản ứng tự vệ. Nhưng để khiến cô bé ấy hiểu, cũng thật phải lựa để không làm một tâm hồn nhạy cảm tổn thương.

Sau này tôi biết thêm, cô bé có thể khóc ngon lành khi đọc Thạch Lam, lại có một niềm say mê với rock, nhảy hiện đại và bóng rổ. Cũng là cô bé 9.2 điểm trung bình các môn ấy, lại luôn khao khát được nhuộm những màu tóc đặc biệt, những hình săm và chiếc quần rách gối.

Mỗi đứa trẻ đều là một thế giới diệu kì, mà để bước vào đó, người ta cần sẵn sàng sự tôn trọng. Hóa ra mọi đối tượng tôi đã từng mường tượng, lại thiếu vắng một mảnh ghép vô cùng thú vị: Ấy là những đứa trẻ cá tính, thông minh, tự tin và nhạy cảm. Những đứa trẻ ấy không “sẵn sàng” để ngoan và vâng lời, chúng lại cũng luôn có xu hướng đi lệch ra những quỹ đạo thông thường để làm những điều mình nghĩ.

Chúng mang sẵn phẩm chất của những người dẫn đường trong tương lai nhưng lại cần được rèn luyện để có sự kỉ luật cần thiết. Ấy là những đứa trẻ khiến bản thân mỗi cô cần phải cố gắng nhiều hơn cả, làm đúng hơn cả và tôn trọng hơn cả để đồng hành, hạnh phúc và tiến bộ. Chỉ có hạnh phúc và tôn trọng mới là điều kiện để mỗi đứa trẻ khai mở tối đa tiềm năng của mình mà không cần ai ép buộc.

Chặng đường của tôi sẽ còn thật dài, những mảnh ghép sẽ còn nhiều hơn nữa các màu sắc, thật tuyệt vì cuộc đời luôn cho ta mỗi ngày ý nghĩa để sống !

Minh Phong (ghi theo lời kể của cô giáo)

Nguồn : Bài học về tôn trọng sự khác biệt từ cô bé tóc xù

Người đăng : Loli Girl


Thanks for reading !

Posted on April 12, 2019 06:50:41 PM


17
Donate free




Đăng nhập để tham gia thảo luận! Hoặc bạn có thể bình luận bằng facebook ở dưới.