Anh - ViệtCác dùng của các hậu tố nhân xưng trong tiếng Nhật (san, sama, chan, kun, tan...)

Được viết bởi: ⭐小林 花絵⭐


CÙNG TÌM HIỂU VỀ HẬU TỐ XƯNG HÔ TRONG TIẾNG NHẬT



Với những bạn không biết tiếng Nhật hoặc chỉ vừa mới bắt đầu học tiếng Nhật. Hẳn các bạn sẽ vô cùng bối rối trước những hậu tố luôn đi kèm theo tên người Nhật như –sama, -san, -kun, -chan hay thậm chí là –tan. Đặc biệt là với các nhóm fansub, nếu bỏ đi, thì câu văn lại không đủ nghĩa, mà để lại thì lại không biết phải dịch thế nào cho người xem hiểu. Một số khán giả cũng tỏ ra khó chịu với những hậu tố khi xem phụ đề, vì không hiểu chúng là gì, để vào cứ thấy chướng mắt.



Tuy nhiên, với người Nhật hậu tố vô cùng quan trọng, nó cho thấy mức độ thân thiết, kính trọng, mối quan hệ giữa họ với nhau. Do đó, hôm nay, Otaku Thời Báo sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức cơ bản về hậu tố xưng hô trong tiếng Nhật. Để các bạn sẽ theo dõi, chúng mình sẽ sắp xếp thứ tự từ mức trịnh trọng nhất đến thân thiết nhất.

Kính trọng và lịch sự: -sama, -san.



Đầu tiên, hãy đến với –sama, đây chính là những hậu tố xưng hô lịch sự và trịnh trọng nhất. Từ 様 (Sama) thường được đặt sau tên của một người cực kỳ đáng tôn kính như thần linh hoặc thiên hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết thời gian thì người Nhật chỉ dùng sama khi nói chuyện trực tiếp với khách hàng. Trong trường hợp bạn không biết tên khách hàng, bạn có thể gọi họ là 客様 (Kyaku-sama) (tạm dịch: quý khách), do đó nó rất tiện dụng.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, đừng quá lạm dụng chữ sama, nhất là khi gắn nó vào tên mình. Nếu bạn tự giới thiệu mình với người Nhật là “Thịnh-sama” chẳng hạn, thì bạn sẽ tạo ra một sự im lặng ngượng ngùng vì bạn vừa giới thiệu mình là “Thịnh-Quý ngài đáng tôn kính”. Cho nên, tuy có vẻ như đây chỉ là một sai lầm nhỏ, nhưng nó có thể bị coi là rất thô lỗ trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ như từ 俺様 (ore-sama), (tạm dịch: “Ông đây”, “Bố mày”,…) là một đại từ nhân xưng rất thô lỗ, do đó chỉ những nhân vật phản diện trong anime mới dùng từ này.



Tiếp theo là –san, đây là một hậu tố nhân xưng lịch sự, tiện dùng nhất. Với những người mới gặp nhau lần đầu hoặc chưa quen thân, thì bạn có thể gọi họ hoặc tên của người đó và thêm –san vào mà không sợ quá tôn kính hay quá gần gũi. Đồng thời, điều thú vị nhất của –san chính là bạn có thể gắn nó vào tên một nghề nghiệp để mô tả người đang làm nghề đó. Ví dụ: bạn đi vào hiệu sách nhưng không biết tên của người bán sách là gì? Hãy đơn giản là gọi người đó là 本屋さん (Honya-san), tạm dịch: “anh/chị nhân viên bán sách”. Ngoài ra コックさん (Kokku-san; ngài đầu bếp) hay thậm chí là 外人さん (Gaijin-san; anh/chị người nước ngoài) cũng là những từ thường được dùng.

Trở nên thân thiết: -chan, -kun



Thứ 3, khi đã trở nên thân thiết, bạn có thể dùng –chan và –kun. Trong khi –sama và –san là 2 từ trung tính, tức là có thể dùng được cho cả nam và nữ. Thì –chan và –kun lại gắn liền với giới tính và mang nghĩa trìu mến, thường được xưng hô giữa bạn bè với nhau hoặc giữa người lớn tuổi hơn với người nhỏ tuổi hơn. Từ -chan thường dành cho nữ và các bé gái, còn –kun dùng cho nam và các bé trai. Tuy nhiên, quy luật này không phải lúc nào cũng đúng, ví dụ như trong Doraemon, Dekisugi (Đê-khi) gọi Shizuka (Xuka) là Shizuka-kun, ý là không muốn quá vồ vập với Shizuka vì từ -chan chỉ một mức độ thân thiết tương đối cao với nữ, ngoài ra –chan còn có nghĩa ai đó thích một cái gì đó.



Cũng chính vì thế, rất nhiều thứ thật sự dễ thương cũng được thêm –chan vào. Ví dụ như cô mèo Hello Kitty cũng thường được gọi là Kitty-chan, hay Shizuka gọi Doraemon là Dora-chan. Ngoài ra bạn cũng sẽ thường nghe người Nhật dùng từ này với động vật hoặc thú cưng, ví dụ như 犬ちゃんはかわいそうな (inu-chan wa kawaisou na; Tội nghiệp bé cún quá).

Âm hưởng ngọt ngào: -tan





Tiếp theo, chúng ta hãy tới với từ -tan, đây là một từ vô cùng đặc biệt và thú vị. Thông thường, chỉ những đứa bé nhỏ tuổi mới dùng từ này, ví dụ, vâng một từ thần thánh mà các otaku, đặc biệt là những lolicon, rất thích nghe お兄たん (onii-tan; anh hai của em). Nguyên nhân là vì, những đứa bé ở Nhật, rất khó khăn trong việc phát âm chữ -chan, cho nên thường đọc chệch thành –tan, và vì những đứa bé rất dễ thương, phát âm từ này cũng rất dễ thương, do đó âm điệu của chữ này cũng dễ thương theo. Từ đó –tan là một phiên bản ngọt ngào và đáng yêu hơn từ -chan.



Tuy nhiên, đây không phải là cách dùng duy nhất, -tan còn được dùng cho những người lớn tuổi hơn để nhấn mạnh họ còn trẻ thế nào. Ví dụ như một bộ manga nổi tiếng tên là Binchou-tan, hay nickname của một thành viên trong nhóm nhạc NMB48: Nana-tan.



Và cũng như –kun, tuy –chan và –tan là dành cho phái nữ, nhưng rất nhiều nam giới cũng vui vẻ đính kèm –chan, thậm chí là –tan vào tên họ. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Kaba-chan hay Arnold Schwarzenegger (Được biết đến ở Nhật Bản với tên Shuwa-chan) là những ví dụ điển hình cho việc này. Trong trường hợp này, từ -chan hoặc –tan có tác dụng để tạo cho đối tượng được gọi một hình ảnh đáng mến và dễ thương, dù cho anh ta có lực lưỡng và cơ bắp như Lý Đức.

Các cặp uyên ương



Với những cặp tình nhân, hầu hết họ đều hài lòng với việc thêm –chan vào tên 2 người. Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát vào năm 2009, đa số nam giới muốn được bạn gái mình chỉ đơn giản là gọi tên của họ. Chỉ có một số ít muốn tên của họ cộng thêm kun/chan hoặc một biệt danh trìu mến.

Về phía phái nữ, hầu như họ đều muốn bạn trai mình gọi tên của họ cộng thêm chan hoặc một biệt danh. Và các bạn phải tuyệt đối cẩn thận, khi yêu nhau thân thiết lắm hoặc với người trong gia đình, phái nữ Nhật Bản mới cho người khác gọi tên mà không thêm hậu tố. Nếu bạn vô tình gọi tên họ mà không thêm hậu tố, bạn sẽ khiến họ cảm thấy như bị sàm sỡ (về mặt tâm lý) đấy.



Tuy nhiên, thật may mắn, người Nhật thường nhanh quên những lỗi như thế này. Nhưng nếu các bạn nghe người Nhật đang nói chuyện với bạn lầm bầm 呼び捨て (Yobisute) thì bạn nên xin lỗi hoặc sử dụng một thuật ngữ thích hợp để giữ thể diện. Vì đó là một từ có nghĩa bạn đang sử dụng sai hậu tố nhân xưng.

Dù sao thì tụi mình cũng sẽ được học tiếng Nhật thôi nên bài này không hẳn là spam nhỉ?

Mình tính viết khóa tiếng Nhật bảng chữ cái đơn giản thử

Chắc là sẽ không sao nếu như mình học phần mềm gì đó trong đt của mình.

Nguồn: Otaku click đi!

Posted on November 16, 2016 09:10:14 PM


6
Donate free




Đăng nhập để tham gia thảo luận! Hoặc bạn có thể bình luận bằng facebook ở dưới.