Giải trí[EL] Xinqi, Kimchi, Pao cai và cuộc tranh cãi văn hóa Trung - Hàn

Được viết bởi: Cloudiy


Những tranh cãi của hai người hàng xóm Trung - Hàn lại nổ ra và chưa thấy hồi kết liên quan đến món rau cải lên men mang tính biểu tượng nền ẩm thực Hàn Quốc

Vlogger nổi tiếng Lý Tử Thất của Trung Quốc đăng video tự làm kim chi, gọi món ăn này là pao cai với hastag “ẩm thực Trung Hoa” khiến nhiều dân mạng Hàn phẫn nộ.

Cuộc tranh luận lại tiếp tục khai hỏa vào tháng 7, khi Bộ Văn hóa Hàn Quốc ban hành một thông cáo hướng dẫn chính thức về “từ ngữ nước ngoài phù hợp” để chỉ một số món ăn Hàn Quốc. Trong đó có một quy định rằng xinqi sẽ là tên chính thức cho kim chi trong tiếng Trung, thay vì dùng từ pao cai như trước đây.

kimchi Trung Hoa

Vấn đề bắt nguồn từ việc trong tiếng Trung không có âm tiết nào để phát âm kimchi. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp sau khi xem xét khoảng 4.000 Hán tự, họ quyết định sử dụng Xinqi, bản dịch sát nghĩa nhất. Xinqi (辛奇) là từ ghép của hai chữ Hán: Xin có nghĩa là cay, Qi có nghĩa là kỳ lạ, độc đáo.

Với tên gọi mới, chính quyền Seoul hy vọng đã vạch ra ranh giới rõ ràng giữa kim chi của Hàn Quốc và pao cai (泡菜) của Trung Quốc. Những quy định mới này áp dụng bắt buộc đối với chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức trực thuộc nhà nước.

Các công ty tư nhân cũng được khuyến khích khi dịch kimchi sang tiếng Trung, ngoài ra chính phủ còn đề nghị các phương tiện truyền thông Trung Quốc sử dụng xinqi khi bàn luận về ẩm thực Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nó đã mở ra một làn sóng tranh luận sôi nổi giữa giới truyền thông và cư dân mạng ở cả hai quốc gia.

Sự khác biệt giữa kim chi và pao cai là gì?

Trước khi đi sâu vào cuộc tranh luận, ta nên tìm hiểu sự khác biệt giữa kimchi và pao cai.

sự khác biệt

Kimchi là một thuật ngữ chung của hơn 100 loại rau, củ (thông thường là cải thảo) lên men với bột ớt đỏ, tỏi, gừng và hải sản muối.

Mặt khác, pao cai có nghĩa đen là “dưa chua” trong tiếng Trung. Đó là bởi vì các loại rau, củ muối thường được lên men bằng cách ngâm trong dung dịch nước muối ở nhiệt độ phòng.

pao cai vs kimchi

Bởi vì chúng có một số điểm tương đồng nên ở Trung Quốc, kim chi thường được gọi là "pao cai của Hàn". Sự nhầm lẫn đã dẫn đến những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa người dùng mạng Hàn Quốc và Trung Quốc. Cả hai bên đều khẳng định kim chi/pao cai là di sản văn hóa của đất nước mình.

Không phải lần đầu tiên

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Hàn Quốc trong việc biến "xinqi" thành tên tiếng Trung của kim chi.

xinqi

Vào năm 2013, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã vận động hành lang cho một cái tên mới để đáp ứng với việc ngày càng có nhiều sản phẩm kimchi do Trung Quốc sản xuất được bán ở thị trường nước ngoài cũng như ở thị trường nội địa Hàn Quốc. Nhưng sau khi thông báo chính thức đưa ra lúc bấy giờ, những phản ứng dữ dội xuất hiện nhanh chóng. Cái tên xinqi không được ưa chuộng ở Trung Quốc đến nỗi cái tên cũ là pao cai đã được “sống lại” ngay sau đó.

Mặt khác, cùng năm đó, Hàn Quốc đã thành công trong việc đưa "kimjang", truyền thống làm kimchi vào mùa đông, được công nhận là Di sản Phi vật thể của UNESCO vào năm 2013, khiến món ăn này trở thành "biểu tượng văn hóa" đáng tự hào của Hàn Quốc.

Tẩy chay văn hóa Trung ở Hàn

Vào tháng 11/ 2020, Trung Quốc đã đạt được chứng chỉ IOS cho pao cai Tứ Xuyên. Nhưng trong một bài viết của Global Times, lại tuyên bố rằng “Pao cai là tiêu chuẩn quốc tế về ngành công nghiệp kimchi do Trung Quốc dẫn đầu. Cái cụm từ “xứ xở kimchi” của Hàn Quốc chẳng qua chỉ là tồn tại trên danh nghĩa.”

Vấn đề đã này làm dấy lên tâm lý chống Trung Quốc mạnh mẽ, thúc đẩy gia tăng những lời kêu gọi tẩy chay văn hóa Trung ở Hàn. Cùng với đó, đoạn phim về một người đàn ông khỏa thân ngâm mình trong một vũng cải bắp tại một nhà máy sản xuất kimchi, có tiêu đề “Nhà máy kimchi kinh tởm của Trung Quốc” được chia sẻ trên YouTube và các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, càng làm tăng thêm căng thẳng và phẫn nộ.

Chính phủ Hàn Quốc đã có những nỗ lực khác để trấn áp lại tình hình. Đầu năm nay, một cuốn sách về kimchi đã được xuất bản bởi cơ quan truyền thông quốc gia Hàn, trong đó có nêu rõ những khác biệt của pao cai và kim chi.

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, từ mối thù tranh chấp ẩm thực nay đã lan sang lĩnh vực du lịch và giải trí. Kế hoạch xây dựng một khu du lịch phố Tàu ở tỉnh Gangwon đã bị hoãn lại vào tháng 4 năm nay sau khi hàng ngàn người cùng ký vào bản kiến nghị. Cùng lúc đó, bộ phim truyền hình cổ trang Triều Tiên Khu ma sư của Hàn cũng đã bị tẩy chay chỉ sau hai tập vì sử dụng đạo cụ liên quan đến Trung Quốc.

Vậy thì bây giờ mọi chuyện ra sao?

Một số công ty đã thích ứng được với việc thay đổi tên. Công cụ dịch thuật Naver của Hàn đã sửa lại bản dịch tiếng Trung của kimchi thành xinqi. Trên trang web tiếng Trung của thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc Bibigo, trang sản phẩm kimchi cũng được dịch là xinqi.

Nhưng cái tên này mới dường như không thu hút được cư dân mạng Trung lẫn Hàn. Trên mạng xã hội Weibo của Trung, các bình luận về cái tên mới này hầu hết đều mang tính tiêu cực.

Một số người từ chối sử dụng thuật ngữ này và khẳng định kimchi là một món ăn chịu ảnh hưởng từ món pao cai của Trung Quốc. Những người khác nói rằng họ không thích ai dạy họ về cách dịch kimchi sang tiếng Trung.

“Tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại phải công nhận cái từ 'xinqi' do người Hàn Quốc đề xuất. Vì rõ ràng, nhập gia thì tùy tục, chả phải ngôn ngữ là một thứ luôn biến đổi, phát triển theo thói quen và phong tục của cộng đồng ở đó sao?” một người dùng Weibo cho biết.

Bà Chung chỉ ra rằng nỗ lực thay đổi tên này đã thất bại vào năm 2013 vì hầu hết những người nói tiếng Trung không chịu sử dụng thuật ngữ này và khả năng cao là thất bại này sẽ tái diễn. “Rất khó để thuyết phục mọi người sử dụng một cụm từ vốn không có nghĩa để thay thế thuật ngữ mà họ đã sử dụng trong nhiều năm.”

Ngoài ra, tên xinqi có thể cũng không được công nhận hợp pháp từ chính phủ Trung Quốc, vì luật pháp Trung Quốc quy định rằng các công ty phải sử dụng những cái tên quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Hàn có thể sẽ không dùng thuật ngữ "xinqi" để mô tả kim chi khi xuất khẩu sang Trung, họ vẫn sẽ phải gắn nhãn nó là pao cai.

  • “Có ý kiến cho rằng Hàn Quốc đang chiếm dụng văn hóa truyền thống cho riêng mình đối với người Trung Quốc, vì cách phát âm xinqi khá khác so với kimchi. Ý kiến khác cho rằng vì kimchi (theo cách phát âm của Hàn Quốc) đã được quốc tế công nhận nên chính phủ không cần phải tạo ra một thuật ngữ mới làm gì,” bà Chung chia sẻ thêm.

Kim Byeong-gi, giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Quốc gia Jeonbuk của Hàn Quốc, viết trên tờ Korea Joongang Daily cho rằng cái tên mới là “hoàn toàn vô lý”.

“Thật là một sai lầm lớn khi chính phủ Hàn Quốc tự ý nghĩ ra một thuật ngữ kỳ lạ để quảng bá kimchi và phân biệt nó với món pao cai của Trung Quốc. Nó có thể làm lu mờ ý nghĩa của kimchi, một cái tên đáng tự hào đã được biết đến trên khắp thế giới.”

Trong hoàn cảnh đó, thật khó để đoán được liệu những nỗ lực mới nhất của chính phủ Hàn có thành công hơn trước hay không. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp văn hóa đang diễn ra sẽ chẳng có lợi ích gì đối với món ăn nổi tiếng này.



Nguồn: Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (tác giả: Đĩnh Trượng)

Nguồn thực tế: CNN

Post bài: Cloudiy

Posted on October 04, 2022 09:03:22 PM


2
Donate free




Đăng nhập để tham gia thảo luận! Hoặc bạn có thể bình luận bằng facebook ở dưới.