Tin tứcKeisuke Honda - ‘Hoàng đế’ và giấc mơ hoang đường mang tên World Cup

Được viết bởi: Hust IT1




Nếu Kazu Miura là biểu tượng cho giấc mơ bóng đá Nhật Bản, Hidetoshi Nakata là ngôi sao đầu tiên, thì Keisuke Honda xứng đáng với danh xưng "huyền thoại" của xứ sở mặt trời mọc.


Đó không phải nhận xét cảm tính. Nhất là sau màn trình diễn ấn tượng của Honda, ở tuổi 32, tại World Cup 2018. Anh kiến tạo đường bóng quyết định giúp Yuya Osako ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 của Nhật Bản trước Colombia và trực tiếp ghi bàn quyết định giúp đội tuyển xứ sở mặt trời mọc có được trận hòa 2-2 trước Senegal.

Đằng sau những màn trình diễn ấn tượng ấy là câu chuyện dài về sự vươn lên từ những ngày thơ ấu ở Osaka, từ những trận đòn roi của bà nội. Honda, chưa bao giờ quên xuất phát điểm của mình.



Honda, kể lại trên The Player Tribune rằng bố của anh không bao giờ quên được những ngày tháng nghèo khó vào thập niên 60 tại Osaka. Ông, cùng cô ruột và bà nội của Honda phải sống trong căn hộ chỉ vỏn vẹn 9 m vuông. Nói căn hộ thì thật sang miệng, bởi đó chỉ là căn phòng với cái kệ cùng bồn rửa.

Ngủ là hoạt động duy nhất mà cả nhà có thể làm cùng nhau trong căn hộ. Khi ấy chân của cả ba mẹ con phải vắt lên khoảng trống nối với ban công. Phải sinh tồn, nuôi hai người con trong hoàn cảnh nghèo khó như vậy, bà nội của Honda buộc phải mạnh mẽ.

Đó cũng là lý do mà khi Honda về sống với bà nội khi vẫn là cậu học sinh tiểu học, hệ quả của cuộc hôn nhân đổ vỡ của bố mẹ, anh phải đối diện với những trận đòn roi như mưa. Bà nội Honda không thích anh chơi bóng.



“Khi tôi 8 hay 9 tuổi gì đó, bà nghe được các giáo viên nói rằng tôi ở ngoài quá lâu trong giờ giải lao để đá bóng. Các giáo viên ra ngoài và bắt tôi lại, nhưng tôi sẽ giữ quả bóng trong chân rồi cố gắng rê qua họ lâu nhất có thể, đến khi họ túm cổ tôi bằng cách nắm lấy áo khoác”, Honda nhớ lại.

Nhưng Honda chưa từng quở trách bà nội. “Tôi biết điều này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng chẳng đếm được bao nhiêu lần những lúc đầu mình chảy máu sau khi bị bà phạt. Đó chỉ là cách sống khác. Những vấn đề về giá trị, mục tiêu và cách biểu đạt ở Nhật Bản không thể nào có thể đưa vào nền văn hóa khác”.

“Tôi không nhất thiết phải đồng tình với cách bà đối xử với mình, nhưng tôi yêu bà nội với tất cả trái tim mình. Bạn có thể nói những gì mình thích về cách bà phạt tôi nhưng bà đã dạy tôi cách chịu đựng, phải biết kiên trì và tinh thần sắt đá”.

Sự nhẫn nại ấy, như Honda thừa nhận, là điều khiến anh có thể chinh phục những giấc mơ đầy hoang đường của chính mình.



Honda 6 tuổi, đang ngoan ngoãn làm bài tập trong căn phòng khách tại căn nhà nhỏ của mình ở Osaka. Bố anh về nhà với một nụ cười. “Keisuke à, đến đây và ngồi xuống nào. Bố muốn cho con xem cái này. “Gì vậy hả bố”. “Pele”.



Chiếc tivi cũ kỹ bừng sáng với chiếc băng trong đầu VCR, tài sản giá trị vào lúc đó tại Osaka. “Pele bước ra từ góc phải của màn hình, với quả bóng trong chân và rê bóng nhanh hơn bất cứ ai tôi từng thấy. Ông ấy đang chơi thứ bóng đá của riêng mình”, Honda hồi tưởng.

“Làm thế nào ông ấy có thể làm được như vậy hả bố?”, cậu bé 6 tuổi không giấu nổi sự hiếu kỳ. “Ông ấy không chỉ chơi bóng vì nó vui, con trai à. Ông ấy chơi bóng bởi biết rằng nếu thành công, ông sẽ có thể tồn tại và cả chăm sóc gia đình mình nữa”.

Từ lúc đó Honda bắt đầu tìm hiểu về Pele. Anh ngạc nhiên vì “vua bóng đá” từng nghèo hơn gia đình anh rất nhiều, nhưng vẫn vươn tới đỉnh cao muôn trượng của bóng đá thế giới. Điều quan trọng nhất là Pele đã trở nên giàu có vì bóng đá.

“Tôi bắt đầu nhìn bóng đá theo cách khác. Với tôi, bóng đá còn nhiều hơn cả trò chơi mà đã trở thành một lối thoát”, Honda thừa nhận. Giây phút quan trọng nhất trong sự nghiệp của Honda tới ngay sau khi bố anh rút cuốn băng ra khỏi đầu đĩa.

“Lúc ấy tôi tự hứa rằng dù có điều gì chắn trước con đường của mình, tôi cũng phải làm hết sức để có thể trở thành một cầu thủ tuyệt vời và được chơi bóng ở World Cup. Và không chỉ có thế… Tôi muốn vô địch World Cup”.





Keisuke Honda có bài phỏng vấn nổi tiếng với truyền thông Nhật Bản, đến mức ở xứ sở mặt trời mọc nó trở thành một “meme” (từ lóng chỉ hành động gây được sự chú ý, thường là hài hước) của tiền vệ sinh năm 1986.

“Với anh, “chuyên nghiệp” là gì?”, phóng viên đặt câu hỏi với Keisuke Honda. Tiền vệ người Nhật dừng lại vài nhịp trước khi nhìn thẳng vào ống kính rồi trả lời: “Keisuke Honda”. Với Honda, định nghĩa của “chuyên nghiệp” là chính anh, chứ không phải điều gì khác. Một tư duy kiểu Cristiano Ronaldo ngay trong lòng Nhật Bản.

Trước khi có được tâm thế của một kẻ chiến thắng như thế. Honda đã trải qua không ít những thất bại. Anh từng bị loại khỏi đội trẻ của Gamba Osaka. Với nhiều người, như thế là kết thúc. Song với Honda, đó là cơ hội để anh chứng minh rằng những người từ chối anh sai lầm như thế nào.

“Sẽ thật dễ dàng để tránh khỏi thất bại khi bạn không tự thử thách bản thân. Tất cả những thất bại gợi cho tôi về việc phải tự thúc đẩy chính mình và còn đó những thử thách thú vị phía trước”, Honda nói.

Năm 22 tuổi, Honda tới Hà Lan chơi bóng cho CLB VVV Venlo. Tiền vệ Nhật Bản cảm thấy mình như “đang trên đỉnh thế giới”. Và rồi anh chuốc lấy thất bại khi VVV Venlo rớt xuống giải hạng Nhì. Song đó cũng là bước ngoặt để Honda thay đổi chính mình.

Từ một tiền vệ chơi kiến tạo trận đấu, Honda nhận ra anh phải ghi bàn. Anh muốn trái bóng, và làm mọi cách để sở hữu nó. Tư tưởng ấy khiến Honda trở thành một mẫu cầu thủ khác. Sự nghiệp của anh thăng tiến, mà đỉnh cao chính là thời gian anh khoác áo AC Milan với số 10 từng ghi danh những huyền thoại vĩ đại như Gianni Rivera, Ruud Gullit, Zvonimir Boban, Dejan Savicevic, Manuel Rui Costa hay Clarence Seedorf. Ước mơ của Honda đã trở sự thật.



Không thể nói 3 năm mà Honda khoác áo Milan là thành công. Song tiền vệ người Nhật không bao giờ hối tiếc vì quãng thời gian ấy. Anh đã làm hết sức mình. Trong suốt thời gian khoác lên mình chiếc áo sọc đỏ đen, chưa một ai tại Milan phải phàn nàn về thái độ tập luyện cũng như phong cách sống của Honda.

Kazu Miura là biểu tượng của giấc mơ Nhật Bản khi là người đầu tiên ra nước ngoài thi đấu, khai phá Brazil, tới Italy, thậm chí ghi bàn trong trận Derby della Laterna trứ danh giữa Genoa và Sampdori. Hidetoshi Nakata là siêu sao đầu tiên của bóng đá xứ sở mặt trời mọc khi giành Scudetto trong màu áo AS Roma, tỏa sáng tại World Cup 2002.

Vậy thì Honda cũng xứng đáng với một vị trí không thể bàn cãi trong ngôi đền những huyền thoại của bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Ý chí vươn lên, sự chuyên nghiệp tuyệt đối của Honda là điều khiến anh xứng đáng là thủ lĩnh vào thời điểm hiện tại của bóng đá Nhật Bản.



Ở nhật Bản, Honda có biệt danh “Hoàng đế Keisuke”. Một sự tưởng thưởng cho tài năng cũng như tầm ảnh hưởng của tiền vệ này tới bóng đá xứ sở mặt trời mọc. Song nếu xét vào bối cảnh World Cup 2018 đang diễn ra, thì Honda, lại là một nhân vật tạo ra không ít tranh cãi tại Nhật Bản.

Có rất nhiều người Nhật thần tượng Keisuke Honda, song cũng có không ít bày tỏ sự ác cảm với ngôi sao sinh năm 1986. Họ cho rằng Honda đã 32 tuổi, hết thời khi phải trôi dạt tới tận Mexico để tìm lấy cơ hội nhưng vẫn cố gắng tới World Cup như một cách để níu giữ lấy vinh quang trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Những luồng ý kiến ấy dĩ nhiên câm bặt sau khi Honda tỏa sáng giúp Nhật Bản có được 4 điểm sau 2 lượt trận và đứng trước cơ hội rất lớn để lọt vào vòng knock-out World Cup. Nhưng ảnh hưởng của Honda tới đội tuyển Nhật Bản không chỉ giới hạn trên sân cỏ. Bên ngoài đường pitch, Honda quan tâm tới tất cả, từ đồng đội đến cả những thành viên của ban huấn luyện. Một mẫu ngôi sao khiến tất cả phải yêu mến.



Masaya Banji, một người Nhật Bản đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội không giấu được sự ngưỡng mộ với Honda khi chia sẻ với Zing.vn. “Chúng tôi, những người Nhật Bản tự hào vì anh ấy, nhất là sau bàn thắng vào lưới Senegal. Một số trong chúng tôi nghĩ rằng anh ấy đã già và không thích hợp với đội tuyển, nhưng tất cả đều biết rằng Honda cố gắng như thế nào cho giải đấu lần này, cả trong lẫn ngoài sân cỏ”.

“Anh ấy là người duy nhất trong lịch sử bóng đá Nhật Bản nói rằng mục tiêu ở World Cup là chức vô địch. Chúng tôi tự hào vì Honda”, Banji nhấn mạnh.

Cậu bé Honda sau khi xem xong cuốn băng về Pele từ chiếc đầu đĩa VCR cũ kỹ đã tự đặt ra cho mình những giấc mơ rất cụ thể như dùng bóng đá để thoát nghèo, chu cấp cho gia đình, đến chơi bóng cho Milan với chiếc áo số 10, và cuối cùng, vô địch World Cup cùng đội tuyển Nhật Bản.

Hai giấc mơ đầu, Honda đã làm được. Ở tuổi 32, “Hoàng đế Keisuke” hiểu rằng đây sẽ là kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp của mình, và anh đang làm hết mình để chinh phục giấc mơ vô địch World Cup, mà với rất nhiều người sẽ gói gọn trong hai chữ: viển vông.

Mặc kệ những lời mỉa mai, mặc kệ những cái nhìn giễu cợt, Honda biết mình phải làm gì. “Mỗi lần khoác lên mình chiếc áo ĐTQG Nhật Bản, tôi lại nhớ đến lời hứa mình đã từng lập nên - giành chức vô địch World Cup. Tôi đã và sẽ cống hiến tất cả. Tôi phải hoàn thành mục tiêu ấy”, Honda khẳng định.

Người Nhật luôn thực tế, nhưng họ có lẽ cũng sẽ mơ chung giấc mơi với “Hoàng đế Keisuke”.



Nguồn: news.zing.vn

Posted on June 28, 2018 03:31:15 PM


3
Donate free




Đăng nhập để tham gia thảo luận! Hoặc bạn có thể bình luận bằng facebook ở dưới.