Bộ Tài chính: Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết

2023-01-25 08:07:27
Theo Bộ Tài chính việc điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, về mặt bằng giá cả thị trường trước và trong Tết (tính đến ngày 23/1), cơ quan này đánh giá không có biến động bất thường, một số hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Nhu cầu mua sắm Tết giảm

Đơn cử, những ngày sát Tết giá gạo chất lượng cao như gạo nếp tăng nhẹ 3-5% so với ngày thường, giá gạo tẻ ổn định; giá thịt bò, gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đồng/kg tùy địa phương; giá lợn hơi và thịt thành phẩm ổn định so với giai đoạn trước Tết, không có biến động lớn...

Về giá dịch vụ vận tải, theo báo cáo của các địa phương, giá cước vận tải các tuyến cố định trong thời gian qua không tăng hoặc tăng ít, một số nhà xe thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều.

Cơ quan quản lý giá cho rằng năm nay nguồn cung hàng hóa vẫn được đảm bảo nhưng sức mua trong dân cho Tết giảm hơn so với những năm trước. "Người dân đang dần chuyển sang thói quen chi tiêu hợp lý trong dịp Tết, không còn tâm lý mua sắm thoải mái", Bộ Tài chính đánh giá.

Về tình hình giá cả sau Tết và cả năm 2023, Bộ Tài chính dự báo có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Cụ thể, quý I trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết.

Bộ Tài chính: Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết - 1

Bộ Tài chính dự báo giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm nay. (Ảnh: EVN)

Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ công được triển khai theo lộ trình thị trường, trong đó giá điện nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm; giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường. Trong đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh trong quý I. Một số mặt hàng Nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá...

Ngoài ra, yếu tố thiên tai có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bàn bị ảnh hưởng... Một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm.

Ngược lại, cũng có một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá như nhiều siêu thị, cửa hàng mở cửa trở lại; nguồn cung hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào...

Điều hành giá điện, xăng dầu... cần thận trọng

Từ các yếu tố trên, Bộ Tài chính đã kiến nghị một số biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá sau Tết và cả năm 2023. Bộ dự báo từ ngày mùng 3 Tết, thị trường sẽ dần sôi động hơn do người dân bắt đầu các hoạt động đi chơi ngày Tết, nhu cầu đi lại tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.

Chính vì vậy, cơ quan này kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến.

Đối với sau Tết và cả năm 2023, Bộ Tài chính dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá. Giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Bộ Tài chính: Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết - 2

Việc điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần thận trọng trong những tháng đầu năm. (Ảnh: Việt Linh)

Theo đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh đến việc điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023. Theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

"Đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ vận tải... để có biện pháp điều hành phù hợp", cơ quan quản lý giá đề xuất.

(Nguồn: Zing News)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo
Source VTC