'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội?

2023-05-26 07:30:00
Lực lượng chức năng đang gặp khó với những quy định hiện hành trong việc xử lý dứt điểm xe ô tô khách dù, bến cóc, đón trả khách dọc đường.

Thiếu chế tài xử lý nghiêm các ô tô khách đón trả khách dọc đường

Như Báo Điện tử VOV phản ánh trong suốt thời gian qua, tại các tuyến đường quanh khu vực các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình của Hà Nội xuất hiện xe ô tô khách, limousine núp bóng xe hợp đồng, xe du lịch di chuyển “rùa bò”, đón, trả khách, nhận hàng, trả hàng ngay dưới lòng đường gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông khiến người dân quanh khu vực rất bức xúc.

'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội? - 1

Thiếu tá Phạm Văn Chiến – Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội)

Liên quan đến nội dung này, Thiếu tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội) cho biết, hiện đơn vị đang phụ trách địa bàn khá rộng và phức tạp, trong đó có bến xe Mỹ Đình và một phần đường vành đai 3 trên cao. Trong đó có nhiều lối ra vào, nên lực lượng tuần tra kiểm soát cũng phải lưu động trên tuyến xử lý liên tục, không dừng quá lâu tại 1 điểm nên cũng không tránh khỏi có lúc xe và người lách luật.

“Chúng tôi luôn cử cán bộ ứng trực 24/24h. Tuy nhiên, những đối tượng “cò” di chuyển cơ động thường xuyên báo cho các nhà xe nơi có lực lượng chức năng ứng trực để có biện pháp né tránh, thay đổi điểm đón. Nhà xe tìm mọi cách để lách cơ quan chức năng. Người dân thì dù được tuyên truyền vận động nhiều nhưng vẫn tiện gần nhà hoặc cung đường đang đi để hẹn nhà xe qua đón, hay gửi hàng hóa. Đấy là những yếu tố bất lợi, khó khăn cho chúng tôi trong công tác xử lý vi phạm”, thiếu tá Phạm Văn Chiến chia sẻ.

Theo thiếu tá Phạm Văn Chiến, có một số trường hợp, cố tình đón, trả khách trên đường vành đai 3 trên cao: “Mặc dù các phương tiện lưu thông trên đường vành đai 3 trên cao với tốc độ cao, rất nguy hiểm nhưng vẫn còn một số đối tượng bất chấp đón trả khách tại đây. Tại các điểm nóng này, Công an TP.Hà Nội đã lắp đặt các hệ thống camera giám sát để xử lý phạt nguội thông qua việc gửi thông báo cho các nhà xe khách. Tuy nhiên hệ thống camera hỏng hoặc thường xuyên xảy ra lỗi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến”, thiếu tá Phạm Văn Chiến cho hay.

'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội? - 2

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội (đơn vị phụ trách địa bàn có bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm) cho biết, qua thực tế điều tra, nắm bắt, việc các phương tiện dừng đỗ đón khách chủ yếu tập trung vào một số các đầu xe thuộc các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Từ đầu năm đến nay Đội CSGT số 14 đã xử lý 859 xe khách vi phạm, phần đa là đưa đón khách sai quy định, sai luồng tuyến,...

“Theo đơn vị quản lý bến xe phía Nam, số lượng xe ở các tỉnh này quá nhiều, dẫn tới tần suất dày, trung bình hơn 6 phút có 1 chuyến xuất bến. Ngoài ra chất lượng xe xuống cấp, dịch vụ không được nâng cao, trong khi đó các loại xe dịch vụ khác cạnh tranh đưa đón tận nơi, chất lượng và giá cả phù hợp nên mỗi khi xuất bến xe khách chỉ có 1-3 hành khách. Để đảm bảo lợi nhuận người điều khiển phương tiện chọn cách bắt khách ở ngoài, di chuyển rùa bò để tận dụng khách qua đường gửi đồ để bù các chi phí cao như bến bãi, cầu đường, xăng dầu…”, thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho hay.

'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội? - 3

Ngang nhiên dừng đỗ để đón trả khách dọc đường Giải Phóng

Lý giải về tình trạng sau nhiều đợt ra quân xử lý xe khách chạy “rùa bò” đón, trả khách mà không thể dứt điểm, thiếu tá Phạm Đức Hoàng cho rằng quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý hoạt động vận tải cố định còn thiếu chặt chẽ cũng gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông.

“Có những ô tô bị chúng tôi lập biên bản xử lý vi phạm tới gần 20 lần nhưng vẫn tái phạm. Trước kia theo Nghị định 86/2016 nếu vi phạm nhiều lần bị thu hồi phù hiệu, có những doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, bây giờ theo quy định mới tại Nghị định số 10/2020 và Thông tư số 12 của Bộ GTVT thì lại không quy định hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp, chỉ thu hồi phù hiệu nếu không hoạt động trong 60 ngày. Tức là các hành vi khác như dừng đón trả khách, hoặc vi phạm dừng đỗ xe không đúng quy định thì không có quy định về việc thu hồi biển hiệu, phù hiệu. Chỉ có thể xử phạt tối đa 1.500.000 đồng, mức này quá thấp không có tính răn đe. Vì vậy, dù bị xử phạt, các xe khách vẫn bất chấp mà tái phạm”, thiếu tá Phạm Đức Hoàng chia sẻ.

'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội? - 4

Hàng loạt ô tô đứng giữa đường để đón trả khách trên đường Phạm Hùng

Chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình, xử lý các phương tiện vi phạm

Để giải quyết vấn đề này, theo thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội CSGT số 14 đã tham mưu cho Ban chỉ huy Phòng CSGT TP. Hà Nội báo cáo Giám đốc Công an TP. Hà Nội ban hành các văn bản kiến nghị đề xuất liên quan đến công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định vào theo hình thức hợp đồng. Tập trung giải quyết xe dù bến cóc tại khu vực Đồng Tàu - Thịnh Liệt, Pháp Vân - Tứ Hiệp, xung quanh khu vực phố Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai)…

Chủ động tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải hành khách cho đội ngũ lái xe ô tô, các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách biết; phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về công tác xử lý xe khách vi phạm trong các đợt cao điểm của Phòng, Công an thành phố. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết.

Theo đại diện Phòng CSGT TP.Hà Nội, công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách mà nòng cốt là Sở GTVT các địa phương còn nhiều hạn chế.

'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội? - 5

Các xe ô tô lập bến xe giữa đường Phạm Hùng

“Tại điều 12 Nghị định số 10/2020, điều 9 thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về thiết bị giám sát hành trình của phương tiện được kết nối về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng Cục đường bộ và thông tin dữ liệu từ camera lắp đặt trên phương tiện cung cấp cho các đơn vị của Bộ Công an, Tổng Cục  đường bộ để quản lý, xử lý…nhưng công tác nêu trên gần như không thực hiện hiệu quả. Hiện nay theo Quyết định 24/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố TP quy định về hoạt động của phương giao thông trên địa bàn thành phố, có quy định cấm các xe ô tô hợp từ 10 chỗ trở lên hoạt động trong giờ cao điểm sáng chiều, tuy nhiên theo Nghị định 100 không có quy định chế tài xử lý vi phạm lỗi chạy sai giờ đối với xe khách dẫn đến xe hợp đồng vi phạm nhưng không xử phạt được”, đại diện Phòng CSGT TP.Hà Nội nêu khó khăn.

Phòng CSGT TP Hà Nội đề xuất sở Giao thông vận tải Hà Nội sắp xếp lại số lượng phương tiện chạy tuyến cố định cho phù hợp đảm bảo tần suất hợp lý để khai thác hiệu quả, đặc biệt là sắp xếp lại các xe khách chạy tuyến cố định của các tỉnh thường xuyên vi phạm và ngược lại.

“Sửa đổi các quy định của pháp luật (sửa Nghị định số 10, thông tư số 12) theo hướng tăng hình thức, mức xử phạt chính và xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm về hoạt động vận tải hành khách và xử phạt đối với chủ doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm, tái phạm như đã nêu ở trên. Bổ sung chế tài xử lý xe khách không chạy đúng thời gian quy định (chạy sai giờ) theo Nghị định 100”, đại diện Phòng CSGT Hà Nội chia sẻ.

'Bó tay' trước nạn xe dù hoành hành trên đường phố của Hà Nội? - 6

Xe limousine núp bóng xe du lịch, xe hợp đồng hoành hành nhiều tuyến phố của Hà Nội

Kiến nghị Cục đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ninh Bình căn cứ vào dữ liệu hành trình và dữ liệu camera lắp đặt trong xe để xử phạt đối với các nhà xe vi phạm hoặc chia se thông tin cho các cơ quan chức năng để xử phạt.

Theo ông Đào Việt Long – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sau khi nhận được văn bản số 880 của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội về việc thông báo các trường hợp xe khách tái phạm nhiều lần trong năm 2022, căn cứ vào quy định hiện hành Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản kiến nghị các địa phương có liên quan.

Trong đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị Sở GTVT Ninh Bình chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành các các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm các đơn vị vận tải có phương tiện vi phạm nhiều lần đã nêu trên. Rà soát các trường hợp không hoạt động kinh doanh vận tải để thu hồi phù hiệu.

Đề nghị Công ty cổ phần bến xe Hà Nội rà soát các phương tiện hoạt động tại bến xe nêu trên, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Giao Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Công an Thành phố và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ; Giao nhiệm vụ, cụ thể cho Đội Thanh tra GTVT và xử lý nghiêm các xe vi phạm nêu trên.

Kiến nghị UBND TP Hà Nội lắp đặt hệ thống camera xử phạt nguội dọc các tuyến xung quanh các bến xe, cung đường giao thông cửa ngõ để xử phạt nguội đối với các trường hợp xe khách vi phạm.

Văn Ngân(VOV.VN)

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo
Source VTC