Các tổ chức tín dụng TP.HCM huy động gần 3,5 triệu tỷ đồng trong quý 1

2024-04-02 20:03:00
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã huy động gần 3,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thông tin trên được nêu tại phiên họp của UBND TP.HCM chiều 2/4 về tình hình, kết quả phát triển kinh tế xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024.

Theo UBND TP.HCM, các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn có mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng huy động vốn đến cuối tháng 3/2024 ước đạt gần 3,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi VNĐ chiếm tới 91,8% trong tổng nguồn vốn huy động.

Phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình, kết quả phát triển kinh tế xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024. (Ảnh: Thành Nhân)

Phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình, kết quả phát triển kinh tế xã hội quý 1 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2/2024. (Ảnh: Thành Nhân)

Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 3/2024 ước đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 52,8%, tăng 5,78%; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm hơn 47%, tăng gần 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, các tổ chức tín dụng đã cấp hơn 1,5 triệu tỷ đồng cho vay đối với 5 ngành, lĩnh vực gồm nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, dư nợ cho vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng chủ yếu, khoảng 81,5%.

“Các doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp cũng vay của các tổ chức tín dụng gần 217.600 tỷ đồng. Chương trình cho vay theo chương trình bình ổn thị trường cũng giải ngân 2.133 tỷ đồng cho 29 doanh nghiệp”, bà Mai thông tin.

Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cũng đang thực hiện gói tín dụng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.

Đến tháng 2/2024, doanh số giải ngân chương trình đạt hơn 2.000 tỷ đồng, dư nợ đã thực hiện đạt gần 1.720 tỷ đồng với hơn 1.300 khách hàng được giải ngân.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, tăng trưởng tín dụng của thành phố chưa cao, tác động của lãi suất lên sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của TP.HCM cũng chưa cao.

"Trong quý 1, TP.HCM có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, thành phố còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa thể giải quyết trong khi lại phát sinh thêm nhiều khó khăn mới. Lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao so với cùng kỳ, ngành bất động sản cũng chưa thể phục hồi. Điều này cho thấy sức khỏe của kinh tế thành phố vẫn chưa tốt", ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các địa phương, sở ngành quyết tâm giải quyết khó khăn, tháo gỡ những tồn đọng, vướng mắc và đưa ra giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. TP.HCM quyết tâm giữ vững mức tăng trưởng các quý sau bằng hoặc cao hơn quý 1 để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng gần 21%

Trong quý 1/2023, TP.HCM có khoảng 927 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,34% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng có đến 15.600 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 21%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 1/2024 ước đạt hơn 406.300 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về vốn đầu tư công, trong năm 2024, TP.HCM được giao giải ngân hơn 79.260 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố, tính đến ngày 29/3, tổng số vốn đã giải ngân là 4.481 tỷ đồng, đạt 5,7% tổng vốn được giao.

Đến hết ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân là khoảng 5.566 tỷ đồng, đạt hơn 7%. So với quý 1/2023 thì số liệu giải ngân quý 1 năm nay tăng hơn 3.958 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Source VTC