Kẻ đứng sau vụ đánh cắp nhiều tài khoản YouTube nổi tiếng Việt Nam là ai?

2024-04-03 10:24:40
Chỉ trong 24 giờ qua, hai kênh YouTube có lượng người theo dõi hàng đầu tại Việt Nam bị hack và phát video quảng bá tiền ảo.

Sáng 2/4, Gamer Độ Mixi - tên thật Phùng Thanh Độ bất ngờ thông báo trên group cá nhân về chuyện anh bị hack kênh YouTube “Mixigaming” đang sở hữu hơn 7,3 triệu người theo dõi. 

Khi truy cập vào kênh Youtube này, các video do Độ Mixi đăng tải đều đã bị ẩn đi. Thay vào đó, hacker đổi tên kênh thành Ripple, ảnh bìa và ảnh đại diện của kênh cũng đã bị thay đổi. Truy cập vào các video trên kênh đều được dẫn tới một kênh hoàn toàn khác với những video về tiền điện tử nước ngoài.

Kênh YouTube Độ Mixi bị thay đổi nội dung và thông tin thành trang livestream tiền ảo.

Kênh YouTube Độ Mixi bị thay đổi nội dung và thông tin thành trang livestream tiền ảo.

Thậm chí, kênh này còn phát sóng trực tiếp với các hình ảnh trong video giả livestream được cắt ghép từ những đoạn phỏng vấn, podcast của ông Brad Garlinghouse - CEO Ripple.

Đến tối 2/4, Quang Linh Vlog đã chia sẻ trên mạng xã hội về việc kênh YouTube 3,8 triệu người theo dõi của anh bị hacker tấn công và chiếm quyền kiểm soát.

Đến sáng 3/4, chỉ có kênh của Quang Linh Vlog lấy lại được quyền truy cập. Trong khi đó Độ Mixi đang tìm cách lấy lại kênh YouTube của mình.

Hai kênh YouTube triệu view bị hack trong cùng một ngày

Giống như Độ Mixi, kênh Youtube của Quang Linh Vlog  cũng bị đổi tên và phát sóng các nội dung liên quan đến tiền ảo Ripple.

Xảy ra trong cùng một ngày, nhưng hai vụ hack kênh YouTube trên đều có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai kênh bị đánh cắp tài khoản đều là những người sáng tạo nội dung thường xuyên phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội.

Theo phân tích trong video của streamer Viruss, nếu streamer bất cẩn trong quá trình live stream, kẻ gian có thể sử dụng một số phần mềm hỗ trợ để tìm cách chiếm quyền.

Cả hai kênh YouTube bị hack đều bị đổi tên thành Ripple, một loại tiền số. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng tiền ảo Ripple đứng sau vụ đánh cắp này.

Kênh Youtube Quang Linh Vlog bị hack và đổi tên vào tối 4/3.

Kênh Youtube Quang Linh Vlog bị hack và đổi tên vào tối 4/3.

Hành động này có thể nằm trong một chiến dịch quảng bá tiền số của một tổ chức nào đó. Thay vì tự phát triển kênh riêng để quảng bá, chúng chọn chiếm quyền các kênh YouTube của người nổi tiếng để lợi dụng tương tác và độ lan tỏa của họ trong việc quảng cáo.

Trước Độ Mixi, Quang Linh Vlog, nhiều kênh Youtube có hàng triệu người theo dõi của Việt Nam như FAPTV, Trấn Thành, Hồ Quang Hiếu, Lý Hải cũng bị đánh cắp tài khoản. Các kênh này sau đó đều bị các đối tượng tấn công mạng sử dụng quảng bá tiền ảo hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài

Các vụ tấn công này cũng là một lời chuông cảnh giác đối với những người sáng tạo nội dung khác để không trở thành nạn nhân tiếp theo.

Tiền ảo Ripple là gì?

Theo Forbes, Ripple là công ty đứng sau đồng tiền số XRP. Ripple hay Ripple Labs là công ty công nghệ blockchain được thành lập năm 2012 tại San Francisco, California, Mỹ. Đây là một trong những công ty thế hệ đầu tiên trong ngành công nghiệp Blockchain.

Công ty này phát triển hệ thống thanh toán tổng hợp theo thời gian thực (RTGS) với mục tiêu trở thành mạng lưới thanh toán quốc tế nhanh, tiện lợi và cho ngân hàng và tổ chức tài chính.

Ripple là công ty đứng sau đồng tiền ảo XRP.

Ripple là công ty đứng sau đồng tiền ảo XRP.

Ripple Labs còn chịu trách nhiệm quản lý và phát triển đồng XRP trên XRP Ledger. Đây là đồng tiền số hoạt động như một loại tiền tệ cầu nối, hỗ trợ việc trao đổi tiền pháp định và tiền số cho các tổ chức tài chính với chi phí tiết kiệm.

Sau 7 năm phát triển, XRP đã được hỗ trợ mua bán trên 48 sàn giao dịch lớn nhỏ khác nhau. Nhiều nhà đầu tư cũng coi XRP là một đồng tiền số tiềm năng. Thế nhưng, 2020, công ty đã bị Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ khởi kiện vì bán trái phép lượng XRP trị giá 1.3 tỉ USD.

Tuy nhiên, lý do tại sao một công ty blockchain đời đầu ở Mỹ lại có liên quan tới vụ hack Youtube của các Youtuber Việt Nam vẫn chưa được làm rõ.

Source VTC