Khoảnh khắc tàu vũ trụ NASA lao vào tiểu hành tinh Dimorphos

2022-09-28 16:08:19
Hình ảnh từ tàu thăm dò LICIACube của Italia cho thấy rõ quá trình tàu vũ trụ DART lao vào tiểu hành tinh Dimorphos.

Video: ATLAS quan sát tàu DART đâm vào Dimorphos. (Nguồn: ATLAS Project)

Theo Space, Cơ quan hàng không vũ trụ Italia (ASI) ngày 27/9 công bố những hình ảnh đầu tiên từ tàu thăm dò LICIACube ghi lại khoảnh khắc tàu vũ trụ DART của NASA đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, 6h14 ngày 27/9.

Tàu thăm dò LICIACube là người bạn đồng hành của tàu vũ trụ DART trong sứ mệnh Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) do cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện. LICIACube có nhiệm vụ ghi lại vụ va chạm giữa DART và Dimorphos từ khoảng cách an toàn.

Cả LICIACube và DART đều mất hơn 10 tháng để có thể bay đến tiểu hành tinh Dimorphos thuộc hệ thống hai tiểu hành tinh, nơi tiểu hành tinh "Mặt trăng" nhỏ bé, tên là Dimorphos, quay quanh tiểu hành tinh lớn hơn là Didymos nằm cách Trái Đất gần 11 triệu km.

Các bức ảnh LICIACube chụp được bao gồm so sánh hệ thống tiểu hành tinh Didymos trước và sau va chạm, cũng như ảnh chụp mảnh vỡ phát sáng xung quanh Dimorphos.

Khoảnh khắc tàu vũ trụ NASA lao vào tiểu hành tinh Dimorphos - 1

Hai tiểu hành tinh Didymos và Dimorphos không lâu sau va chạm với tàu vũ trụ DART nhìn từ camera LUKE của tàu thăm dò LICIACube. (Ảnh: ASI)

Theo bà Elisabetta Dotto, trưởng nhóm khoa học ở Viện vật lý thiên văn quốc gia Italy (INAF) cho biết rất tự hào khi góp một phần sứ mệnh DART, đồng thời nhấn mạnh những bức ảnh này rất quan trọng nhằm giúp các nhà khoa học hiểu rõ kết cấu và thành phần của Dimorphos. Dotto chia sẻ ngoài hai bức ảnh đầu tiên, số ảnh của LICIACube mà nhóm sẽ công bố trong vài ngày tới cũng rất hứa hẹn.

Hình ảnh từ LICIACube cho thấy Dimorphos được bao phủ hoàn toàn bởi đám mây bụi và mảnh vỡ tạo bởi cú đâm của tàu DART. Theo bà Dotto, các nhà khoa học không biết chắc tiểu hành tinh Dimorphos sẽ thế nào sau va chạm.

Sứ mệnh DART của NASA đâm vào Dimorphos nhằm để thử nghiệm cách điều chỉnh quỹ đạo của thiên thể đe dọa Trái Đất. Hiện nay, các nhà thiên văn học đang theo dõi sát sao hệ thống tiểu hành tinh Didymos, sẵn sàng đo quỹ đạo của Dimorphos thay đổi như thế nào. Đó là dữ liệu NASA cần để xác định thành công của nhiệm vụ DART.

Vệ tinh LICIACube bay kèm theo tàu vũ trụ DART và tách ra hôm 11/9. LICIACube đã kiểm tra hai camera với một số mục tiêu bao gồm Trái Đất và cụm sao Pleiades. Camera LICIACube Explorer Imaging for Asteroid (LEIA) có thể chụp ảnh với độ phân giải cao nhưng chỉ có thể chụp ảnh đen trắng trong khi camera LICIACube Unit Key Explorer (LUKE) tích hợp bộ lọc màu đỏ - xanh lá cây - xanh da trời và có trường quan sát rộng hơn.

Hôm 26/9, LICIACube bay ở khoảng cách an toàn khi tàu DART tăng tốc và đâm vào khu vực va chạm sau đó 3 phút. LICIACube cũng chụp ảnh vùng tối của Dimorphos ở đối diện khu vực tàu DART đâm xuống. Hiện con tàu bay qua không gian sâu và gửi ảnh về Trái Đất.

Các kính viễn vọng trên Mặt Đất cũng chụp ảnh vụ “tấn công” của tàu DART trong không gian sâu. Những quan sát của hệ thống Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System (ATLAS) ở Hawaii cho thấy hệ thống hai tiểu hành tinh Didymos sáng lên đáng kể ở khoảnh khắc va chạm. Ngay sau đó, lớp vỏ vật chất khổng lồ bắn ra từ tiểu hành tinh Dimorphos.

Một trong những kính viễn vọng 1 m của Đài quan sát Las Cumbres ở Nam Phi cũng hé lộ câu chuyện tương tự từ góc khác. DART đâm vào Dimorphos trong khi di chuyển từ trái sang phải ở khung hình thay vì từ phải sang trái như trong ảnh chụp của ATLAS.

Tiểu hành tinh Dimorphos 170 m và thiên thể cùng hệ là Didymos (780 m) không phải mối đe dọa đối với Trái Đất. Nhưng dữ liệu từ thử nghiệm sẽ cho biết tính hiệu quả của kỹ thuật va chạm động lực học, hỗ trợ nỗ lực chuyển hướng tiểu hành tinh nguy hiểm trong tương lai. Nhiều kính viễn vọng trên mặt đất khác trên khắp thế giới sẽ bắt đầu theo dõi hệ Didymos trong thời gian tới.

Trà Khánh(nguồn: Space)
Source VTC