Mua hàng tại siêu thị, người tiêu dùng được, mất gì?

2022-11-24 11:20:43
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích về mô hình siêu thị, trung tâm thương mại Việt Nam.

Theo ông Phú, hiện tại, nước ta có khoảng hơn 1.000 siêu thị và gần 300 trung tâm thương mại, thu hút rất nhiều khách hàng, nhất là mỗi dịp lễ Tết. 

Mua hàng tại siêu thị, người tiêu dùng được, mất gì? - 1

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

- Theo ông, vì sao người tiêu dùng ngày càng thích mua hàng trong siêu thị?

Mua hàng trong siêu thị, người dân được lợi rất nhiều. Hàng hóa trong siêu thị luôn được niêm yết giá rõ ràng, ở một số nơi còn sẵn sàng xuất hóa đơn VAT, quá trình mua bán vì thế được diễn ra rất công khai, minh bạch. Người mua còn tha hồ lựa chọn vì nguồn hàng rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt là phần lớn hàng hóa trong siêu thị đều đảm bảo chất lượng, không xô bồ như ở ngoài chợ. Theo nhận định của tôi, ít nhất 80% lượng hàng đã được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào. 

Về hình thức, tại siêu thị, các gian hàng được trưng bày một cách khoa học và chỉ dẫn rõ ràng, người tiêu dùng không phải mất thời gian đi tìm kiếm như mua ngoài chợ, cũng sẽ không có cảnh chen chúc hoặc đôi co, tranh giành, mâu thuẫn khi mua bán. Không gian mua sắm ở siêu thị lại rất tiện lợi, thoải mái, sạch sẽ đến mức phụ huynh có thể dẫn theo trẻ nhỏ đi cùng, hơn nữa hầu hết siêu thị đều có gắn camera giám sát nên khách không lo bị mất tài sản như đi chợ.

Một ưu điểm nữa là không ít người vốn ngại đi chợ vì sợ mua đồ bị “hớ” nên phải mặc cả, cò kè khi mua hàng. Tuy nhiên, tại siêu thị hay trung tâm thương mại, giá cả bắt buộc phải được niêm yết công khai, người mua chỉ việc lựa những sản phẩm phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Một chi tiết khác cũng bắt buộc niêm yết công khai đối với hàng hóa trong siêu thị đó là nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Do đó, hầu như không có chuyện hàng không rõ xuất xứ hoặc quá hạn như được bán ngoài chợ. Điều này khiến người tiêu dùng yên tâm hơn.

Một ưu điểm khác là tại siêu thị, các mặt hàng tươi sống được bảo quản ở nhiệt độ đúng tiêu chuẩn nên đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn ngoài chợ. Sự đa dạng về các mặt hàng cũng là điểm cộng tuyệt vời khi chỉ với một mặt hàng nhưng người tiêu dùng có thể lựa chọn đến hàng trăm mẫu mã, chủng loại, mùi, hương vị...khác nhau. 

Cuối cùng, khi mua hàng tại các trung tâm thương mại hay siêu thị, nếu bị phát sinh vấn đề gây tranh cãi như hàng lỗi, hỏng, kém chất lượng thì quá trình khiếu nại, khiếu kiện hoặc đòi bồi thường của khách hàng sẽ diễn ra thuận lợi hơn là mua hàng trôi nổi trên thị trường.

Vì thế, nếu soi tất cả những yếu tố trên, người tiêu dùng đương nhiên sẽ thích mua hàng trong siêu thị. Nhìn vào góc độ phát triển kinh tế thì tôi cho rằng siêu thị, trung tâm thương mại xứng đáng là các kênh giữ vai trò dẫn dắt thị trường tiêu dùng hiện nay.

Mua hàng tại siêu thị, người tiêu dùng được, mất gì? - 2

Mua hàng trong siêu thị, người tiêu dùng có nhiều cái lợi nhưng cũng cần phải cảnh giác với hàng kém chất lượng. (Ảnh minh họa)

- Vậy những mặt hạn chế của siêu thị hay trung tâm thương mại là gì, thưa ông?

Với nhà phân phối, cung cấp hàng hóa, ai chịu chi tiền cho siêu thị thì mới được bán hàng trong siêu thị. Đây có lẽ là hạn chế lớn nhất của hệ thống siêu thị hay trung tâm thương mại. Điều này có thể dẫn đến việc nhà cung cấp khó bán được sản phẩm tốt nhất của mình còn người tiêu dùng thì khó có cơ hội tiếp cận được những mặt hàng có chất lượng.

Chưa dừng lại ở đó, phía cung cấp có thể còn phải chịu thêm khoản chi phí để sản phẩm của mình được xếp ở vị trí nào trên kệ, xếp nhiều hay ít, tất cả những việc đó là do siêu thị quyết định. Theo tôi được biết, nhà cung cấp hàng cho siêu thị hay trung tâm thương mại sẽ phải chịu rất nhiều ràng buộc, ví dụ như phải chấp nhận chiết khấu 30% hoặc là phải 3 tháng sau mới được thanh toán...Đó là chưa kể hàng hóa của các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau để có thể đến được tay người tiêu dùng.

Với người tiêu dùng, khi mua hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại, họ phải chấp nhận mức giá cao hơn hẳn ngoài chợ, dù chất lượng có thể chỉ tương đương. Ngoài ra, người mua cũng phải chấp nhận cam kết chất lượng mà siêu thị đưa ra, trong khi có thể không chắc chắn cam kết đó có đáng tin hay khôn. Trên thực tế, người tiêu dùng khi mua hàng trong siêu thị luôn mặc định chất lượng hàng hóa đã được kiểm định nên có tâm lý chủ quan, không kiểm tra kỹ càng. Điều này rất nguy hiểm, vì một khi hàng hóa trong siêu thị "dính" sự cố kém chất lượng hoặc là hàng giả, hàng nhái thì tác hại sẽ rất lớn do ảnh hưởng đến số đông người tiêu dùng. 

Mới đây, báo chí phanh phui vụ rau bẩn giả mạo VietGab được bán trong siêu thị. Ngoài ra là loạt hàng nhái đổ bộ trung tâm thương mại ở TP.HCM. Qua những vụ này tôi nhận thấy rằng, quản lý nội bộ ở một số siêu thị không tốt, có như thế rau bẩn, hàng nhái mới có cơ hội tuồn vào. Đây chính là rủi ro lớn với người tiêu dùng khi đặt hoàn toàn niềm tin vào chất lượng hàng hóa trong siêu thị.

Khi mua hàng ở siêu thị, không ít người có tâm lý choáng ngợp, do đó khó kiểm soát được hành vi chi tiêu cho phù hợp.

Ngoài ra, còn một bất cập vẫn diễn ra hàng ngày tại siêu thị mà quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đó là việc nhân viên siêu thị không chịu trả lại tiền lẻ cho khách lúc thanh toán hóa đơn mà thay vào đó là trả bằng kẹo hoặc phong bì mà không hề giải thích. Thử nhẩm tính, một ngày siêu thị đón đến hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn khách hàng thì số dư đó sẽ đổ vào túi ai?

Một hạn chế nữa khi mua hàng trong siêu thị đó là khách hàng dễ phải chịu cảnh xếp hàng chờ thanh toán, đặc biệt vào những dịp cao điểm như lễ, Tết. Điều này khiến người mua mất rất nhiều thời gian, không ít người thậm chí còn phải bỏ cuộc vì chờ lâu.

- Theo ông, cần làm gì để siêu thị thực sự là kênh bán hàng đáng tin cậy?

Ở trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, rất thuận lợi để cơ quan Nhà nước quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa. Do đó, việc kê khai giá đối với tất cả các mặt hàng là rất cần thiết và phải được thực hiện liên tục, công khai. Đồng thời, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra không báo trước. Thực tế cho thấy, những đợt kiểm tra bất ngờ của cơ quan chức năng luôn phát hiện được những mặt hàng kém chất lượng để thu hồi và xử phạt.

Để ngăn chặn triệt để tệ nạn hàng kém chất lượng "đột lốt", giả mạo để tuồn vào siêu thị, cần phải có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc. Theo tôi, chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe, khi mức phạt không thấm gì so với lợi nhuận mà họ kiếm được từ người tiêu dùng. 

Một biện pháp nữa đó là phải nâng cao quyền uy và trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta. Ở các nước khác, các hiệp hội có quyền đề nghị đình chỉ bán hàng vào siêu thị nếu vi phạm nghiêm trọng nhiều lần; đồng thời trách nhiệm của hội là nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, trong nghị định về các hội không có quyền hạn và cũng không có trách nhiệm trên. Nhiều người tiêu dùng còn chưa biết đến vai trò của những cơ quan này.

Ngoài ra, cũng phải nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, để họ nắm bắt được quyền lợi chính đáng của mình, biết được vai trò bảo vệ người tiêu dùng của nhiều cơ quan chức năng, ví dụ như Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Hiệp hội người tiêu dùng...để sẵn sàng liên hệ trực tiếp với các cơ quan này khi phát hiện ra những hành vi vi phạm.

Tôi nhận thấy hiện thói quen này đang ngày càng được cải thiện, đó là điều đáng mừng. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong năm 2021 đã nhận được 13.000 cuộc gọi từ người dân và gần như tất cả những cuộc gọi đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng. Điều này sẽ góp phần biến khách hàng thành những người tiêu dùng thông thái, góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) khuyến cáo, ngay khi gặp phải sự cố, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Cạnh Tranh và Bảo vệ người tiêu dùng bằng cách gọi điện đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số miễn phí trên toàn quốc 1800.6838.

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể phản ánh thông tin đến Website: http://khieunai.bvntd.gov.vn, gửi Email đến địa chỉ: [email protected] hoặc gửi qua đường bưu điện để được tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại.

Công Hiếu
Source VTC