Trực tiếp: Siêu bão Noru áp sát đất liền, miền Trung mưa to, gió lớn

2022-09-27 15:24:00
Bão số 4 (tên quốc tế Noru) đang áp sát đất liền, gây mưa to trên địa bàn các tỉnh miền Trung và gió lớn bắt đầu nổi ở khu vực các địa phương hải đảo.

Video: Người miền Trung hối hả đi tránh bão

Bão sẽ cập bờ sớm hơn

Hồi 13h chiều nay (27/9), vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (167-183km/giờ), giật cấp 17.

Nhiều địa phương cấm người ra đường khi bão Noru đổ bộ

Người dân ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... được yêu cầu không ra đường trong tối nay, khi bão Noru dự báo vào đất liền với sức gió 183 km/h (cấp 15).

Để chủ động ứng phó với bão số 4 và mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND các tỉnh có ý kiến như sau: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác do thủ trưởng đơn vị quyết định).

Các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân trên địa bàn tỉnh cho công nhân, người lao động,... được nghỉ làm việc kể từ 12h ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 nhằm đảm bảo phòng, chống bão, bảo vệ tài sản của gia đình.

Đáng chú ý, chính quyền địa phương yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 18h ngày 27/9 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng chống bão ở Thừa Thiên Huế

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến kiểm tra công tác di dời dân, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản tại khu tái định cư Tân Thanh và thôn 14, xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Theo báo cáo của UBND xã Quảng Công, đến thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành công tác di dời dân ở vùng trọng điểm thuộc khu vực sát biển đến các công trình kiên cố trên địa bàn với 55 hộ 99 nhân khẩu.

Đồng thời, các lực lượng địa phương đã triển khai giúp dân gia cố bờ bao, màn lưới đối với 50 ha nuôi trồng thủy sản thấp trũng, ứng phó với bão số 4.

Bộ trưởng lưu ý về tình trạng ngư dân ở lại trên tàu để trông coi, tát nước khi bão đang vào, rất nguy hiểm đến tính mạng.

"Các tàu cá vào cảng neo đậu tương đối an toàn nhưng phải tuyệt đối yêu cầu ngư dân rời khỏi tàu. Ven biển do kết hợp triều cường, sóng biển cao trong khi kết cấu hạ tầng, nhà cửa chúng ta còn yếu nên cần tăng cường theo dõi, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân. Khu vực miền núi liên quan đến sạt lở, đứt gãy địa chất không theo quy luật nên cần chủ động, đảm bảo thông tin liên lạc chặt chẽ, xuyên suốt" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Quân khu 5 huy động xe đặc chủng, máy bay ứng phó siêu bão Noru

Ngày 27/9, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã huy động hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ cùng hàng trăm xe đặc chủng, xe lội nước tham gia chống bão. Cùng với đó, hàng loạt phương tiện như xe ô tô, xuồng máy, trực thăng và xe thiết giáp của Lữ đoàn T-TG 574 cũng đã sẵn sàng đợi lệnh chỉ huy để ứng phó bão Noru.

Tính đến sáng 27/9, các lực lượng Quân khu 5 đã hỗ trợ nhân dân các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận neo đậu hơn 20.000 tàu cá.

Các lực lượng được bố trí xuống trực tiếp các khu dân cư trọng yếu để giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, trường học; cắt tỉa cây xanh, đưa phương tiện neo đậu vào bờ an toàn; phối hợp với biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào bờ và hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh trú bão.

NHÓM PV
Source VTC