Trương Mỹ Lan mua chuộc cả đoàn thanh tra Ngân hàng SCB thế nào?

2023-11-19 11:32:18
Trương Mỹ Lan chỉ đạo lãnh đạo Ngân hàng SCB dùng tiền mua chuộc đoàn thanh tra để bưng bít các sai phạm, trong đó người nhận hối lộ nhiều nhất hơn 118 tỷ đồng.

Trong số 86 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án xảy ra tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, có 41 cá nhân là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước.

Theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động, Ngân hàng SCB thường xuyên bị kiểm tra, giám sát, thanh kiểm tra tình hình hoạt động. Để không bị phát hiện, xử lý các hành vi sai phạm do mình và đồng phạm gây ra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.

Bà Lan còn chỉ đạo mua chuộc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại ngân hàng SCB để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo không trung thực, không đầy đủ với cơ quan chức năng.

Bị can Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó thanh tra Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: TTXVN).

Bị can Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó thanh tra Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: TTXVN).

Bộ Công an xác định khi thanh tra tại Ngân hàng SCB, bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) đã nhiều lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan, lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Đỗ Thị Nhàn 4 lần nhận hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng) để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và SCB.

Ngoài bà Nhàn, người có chức vụ cao nhất trong Ngân hàng Nhà nước liên quan vụ án là Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra, phụ trách cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. Ông ta là người ký văn bản giao Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn, thanh tra Ngân hàng SCB.

Ông Hưng sau đó chỉ đạo cấp dưới và đoàn thanh tra bao che sai phạm của SCB, không làm theo chỉ đạo của Chính phủ dẫn tới Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không đủ thông tin, tài liệu để xử lý sai phạm của nhà băng này.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Văn Hưng nhiều lần nhận tiền từ SCB, tổng số 390.000 USD (hơn 8,7 tỷ đồng) và hiện đã giao nộp toàn bộ. Ông Hưng bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Một người khác trong đoàn thanh tra là bị can Nguyễn Văn Thùy, cựu Phó ban Kiểm tra của một ngân hàng kiêm Phó trưởng Ban Giám sát tài chính quốc gia. Ông này đã 6 lần nhận tổng cộng 21.000 USD, 60 triệu đồng cùng nhiều quà tặng là áo sơ mi, áo phông, yến từ SCB để bao che sai phạm của ngân hàng này.

Hầu hết trong số 20 thành viên đoàn thanh tra SCB năm 2018 đều nhận tiền của Trương Mỹ Lan và ngân hàng này. Có 7 người được cơ quan điều tra xác định là "thứ yếu", làm việc theo chỉ đạo nên không xử lý hình sự.

Ngoài các bị can thuộc cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cơ quan điều tra còn cáo buộc 4 cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng nhận từ 470 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng để bao che sai phạm cho Trương Mỹ Lan.

Việc này gây hậu quả đặc biệt lớn khi riêng dư nợ tại SCB của các tổ chức, cá nhân liên quan bà Lan đã lên tới hơn 677.286 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 11 người là thành viên Tổ giám sát các giai đoạn từ năm 2016 đến 2022 cũng "nhận quà" của SCB trong các dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, họ đã chủ động khai báo, giúp tiến hành điều tra và "trả lại quà" nên không bị xử lý hình sự.

Ông Tô Duy Lâm, cựu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM bị cơ quan điều tra xác định là người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, quản lý Ngân hàng SCB. Ông Lâm tuy không nhận tiền, chỉnh sửa báo cáo liên quan nhà băng này nhưng vẫn "có trách nhiệm trong quản lý" với việc để xảy ra sai phạm của cấp dưới. Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự ông Lâm nhưng cho rằng, cần xử lý nghiêm về mặt Đảng, chính quyền.

Minh Tuệ
Source VTC