Anh - ViệtNgữ pháp tiếng Anh cơ bản : Cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh cốt lõi [Part 1]

Được viết bởi: Hust IT1


LỜI MỞ ĐẦU


Khi nói về ngữ pháp tiếng Anh, chắc hẳn nhiều bạn học tiếng Anh nói chung đều thấy nhức nhối và có phần "bất lực". Dù có thể đã trải qua nhiều năm trời tại các cấp trung học và đại học để học tiếng Anh nhưng nhiều người vẫn cảm thấy mông lung về ngữ pháp tiếng Anh.

"Vì sao phải dùng danh từ ở đây?", "Vì sao từ này lại đứng được ở vị trí này?", "Vì sao động từ phải chia thì hiện tại hoàn thành?" Câu hỏi cứ mọc lên như nấm nhưng câu trả lời thì không có, thế thì làm sao mà không "ngán đến tận cổ" ngữ pháp tiếng Anh chứ nhỉ!

Nhưng đâu phải là họ không được học ngữ pháp tiếng Anh! Hầu hết đều đã học qua từ danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, cho đến câu điều kiện, câu bị động, rồi cả mệnh đề quan hệ, vân vân, nhưng nhiều người vẫn không viết được một câu tiếng Anh đúng ngữ pháp. Đó chính là bởi vì, dù có rất nhiều kiến thức rời rạc nhưng họ chưa biết cách lắp ghép chúng lại với nhau để tạo nên một câu hoàn chỉnh.

Hay nói cách khác, vấn đề của họ chính là: họ chưa được học về cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh một cách có hệ thống.


Nếu bạn đang đọc đến dòng này và nhận thấy mình là một trong số những người "lạc lối" trong việc học ngữ pháp tiếng anh thì bạn đã đến đúng nơi rồi!

Gia sư Toeic là nơi sẽ giải quyết cho bạn điểm thiếu sót lớn nhất của các sách ngữ pháp tiếng Anh bạn thường gặp, đó là trình bày từ điểm ngữ pháp này sang điểm ngữ pháp khác mà không nơi nào đề cập đến điểm cốt lõi nhất trong ngữ pháp tiếng Anh: cấu trúc câu tiếng Anh.

Chúng tôi xin chúc mừng bạn, vì khi bạn đã hiểu vấn đề của mình, nghĩa là bạn đã đạt được 50% chặng đường chinh phục ngữ pháp tiếng Anh rồi. Và 50% còn lại, Gia sư Toeic sẽ giúp bạn chinh phục cốt lõi của ngữ pháp tiếng Anh - CẤU TRÚC CÂU TIẾNG ANH. Chúng tôi tin chắc rằng, sau khi bạn học xong loạt bài này, bạn sẽ nắm chắc cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh trong tay thông qua:

- Phân tích được các thành phần câu
- Hiểu được mối quan hệ của các thành phần câu
- Từ đó, có thể nghe/đọc hiểu được tất cả các câu và nói/viết đúng ngữ pháp

Hãy bắt đầu ngay bây giờ để việc học ngữ pháp tiếng Anh không còn khó khăn và cản bước bạn nữa!


1. Cấu trúc ngữ pháp của một câu tiếng Anh


Trong tiếng Anh, một câu có thể rất đơn giản:
I sleep.
Tôi ngủ.

nhưng cũng có thể rất phức tạp:
Although she was very tired, Julie still went to the store to buy a birthday cake for her friend.
Mặc dù rất mệt, Julie vẫn đi đến cửa hàng để mua một cái bánh sinh nhật cho bạn của cô ấy.

Nhưng chúng chắc chắn có những điểm chung mà một câu bắt buộc phải có, và những điểm riêng để mở rộng thêm ý nghĩa cho câu.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy được rằng thành phần quan trọng "không thể không có" trong một câu chính là động từ. Hãy thử tưởng tượng, một câu mà không có động từ thì câu đó không nói lên được điều gì cả.

- Tom coffee in the kitchen. (?)
- Tom cà phê trong nhà bếp. (?)

Nếu không có động từ, ta không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Tom, cà phê, trong nhà bếp, rồi sao nữa? Khi đặt động từ vào thì ý nghĩa của câu mới trở nên sáng tỏ:

- Tom made coffee in the kitchen.
- Tom đã pha cà phê trong nhà bếp.

Thế giới xung quanh ta lúc nào cũng chuyển động và mọi thứ không ngừng hoạt động. Nếu không có động từ, chúng ta sẽ không thể diễn tả được bất cứ điều gì.

Vậy thì động từ là một thành phần bắt buộc trong câu. Ta cũng biết chắc chắn phải có cái gì đó hoặc ai đó thực hiện hành động này, và đó chính là chủ ngữ:

- Tom made coffee in the kitchen.
- Tom đã pha cà phê trong nhà bếp.

Tom chính là người thực hiện hành động "pha cà phê trong nhà bếp", có nghĩa là Tom chính là chủ ngữ trong câu. Nếu bỏ chủ ngữ "Tom" ra, người nghe sẽ không hiểu ai "pha cà phê". Vì vậy, chủ ngữ cũng là một thành phần không thể thiếu của một câu.

Đến đây chúng ta có "công thức" cho một câu đơn giản, đó là:

Chủ ngữ + Động từ.



Trong câu ví dụ vừa rồi, chúng ta đã xác định được hai thành phần thiết yếu trong câu là Chủ ngữ (Tom) và Động từ (made). Vậy còn "coffee in the kitchen" là gì, và chúng có quan trọng không?

Để thử mức độ cần thiết của chúng, chúng ta hãy bỏ nó ra để xem câu còn có ý nghĩa không. Trước tiên chúng ta loại bỏ "coffee" ra khỏi câu:
- Tom made in the kitchen.
- Tom đã pha trong nhà bếp.

Phản xạ tự nhiên khi nghe câu này sẽ là hỏi xem Tom đã pha cái gì. Nếu không có "coffee", câu này sẽ bị cụt ngủn vì ta không biết rõ Tom pha cái gì. "Coffee" là được gọi là tân ngữ của động từ, hiểu nôm na là thứ bị động từ tác động vào. Đây là một thành phần quan trọng trong câu này vì nó hoàn thiện ý nghĩa của động từ "made".

Tuy nhiên, không phải động từ nào cũng cần một tân ngữ, bằng chứng là câu ví dụ đầu tiên trong bài này:

- I sleep.
- Tôi ngủ.

Cho nên, có thể kết luận là sự tồn tại của tân ngữ trong câu là tùy theo vào động từ đó có cần một tân ngữ hay không.

Tiếp theo, chúng ta thử bỏ đi "in the kitchen":

- Tom made coffee.
- Tom đã pha cà phê.

Câu này đã trọn vẹn về mặt ý nghĩa. Nếu không tò mò thêm về hành động này thì khi nghe câu này chúng ta đã hiểu được điều gì đã xảy ra: Tom đã pha cà phê, chấm hết. Như vậy, có thể nói rằng "in the kitchen" là một thông tin nền, vì nó có tác dụng làm rõ ý nghĩa của câu hơn, cung cấp người nghe biết được nơi mà hành động "pha cà phê" diễn ra nhưng không bắt buộc phải có trong câu.

Trên thực tế, thông tin nền không chỉ giới hạn trong thông tin về nơi chốn mà còn bao gồm rất nhiều những thứ khác, chẳng hạn như thời gian, cách thức, lý do, v.v.

- Tom made coffee last night. (thời gian)
- Tom made coffee slowly. (cách thức)
- Tom made coffee because his mother asked him to. (lý do)

Đây là những thông tin cung cấp thêm cho người nghe về hành động trong câu xảy ra trong hoàn cảnh hay tình huống nào thôi, "có thì tốt, không có cũng chả sao", cho nên chúng ta mới gọi nó là "thông tin nền".

Nếu chưa hiểu thông tin nền là gì, hãy thử tưởng tượng một vở kịch: nhân vật trên sân khấu chính là chủ ngữ, những cử chỉ và hành động của nhân vật đó chính là động từ, còn cảnh vật và đạo cụ xung quanh nhân vật trên sân khấu chính là thông tin nền.

Qua việc phân tích một câu khá đơn giản từ nãy đến giờ, ta có thể tự tin xác định được một câu bao gồm các thành phần sau đây:



Trong đó,
- Chủ ngữ: là người/vật thực hiện hành động & là thành phần bắt buộc.
- Động từ: biểu hiện hành động của câu & là thành phần bắt buộc.
- Tân ngữ: là người/vật bị hành động tác động vào & có thể có, có thể không có, tùy theo động từ.
- Các thông tin nền: bổ sung các thông tin khác liên quan đến hành động, ví dụ như nơi chốn, thời điểm, thời gian, cách thức, lý do mà hành động xảy ra. Các thông tin nền có thể có, có thể không có; nếu có sẽ làm rõ ý nghĩa của câu hơn, còn nếu không có cũng không ảnh hưởng đến câu về mặt ngữ pháp.

chủ ngữđộng từ là hai thành phần bắt buộc trong câu, câu nào cũng có, nên bạn phải học cách nhận diện được hai thành phần này. Một khi bạn đã xác định được chúng thì bạn sẽ nhận biết được những thành phần "râu ria" còn lại trong nháy mắt, và từ đó không bao giờ nhầm lẫn các thành phần này với nhau nữa.

Nguồn: https://giasutoeic.com/ngu-phap-tieng-anh/ngu-phap-tieng-anh-cot-loi-cau-truc-cau/#1-cau-truc-cau

Posted on May 24, 2019 07:50:30 AM


8
Donate free




Đăng nhập để tham gia thảo luận! Hoặc bạn có thể bình luận bằng facebook ở dưới.