Để tỏ lòng cảm ơn chân thành tới những gì chúng ta đang có ngày nay trên Internet, hãy cùng TBit nhìn lại lịch sử phát triển web với những dấu mốc đáng nhớ.
Thời kỳ sơ khai
Năm 1993 là một năm thật đặc biệt vì đó là năm công chiếu bộ phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park), bộ phim kinh điển gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người.
Năm 1993 cũng là năm Tim Berners-Lee công bố phiên bản đầu tiên của HTML. Ông ấy là một nhà vật lý học, một nhà khoa học máy tính và là người đầu tiên triển khai thành công việc giao tiếp với máy trạm qua giao thức HTTP (Hypertext Transfer Protocol).
Chúng ta hãy nhìn hình ảnh về người đàn ông đẹp trai này vào thời điểm đó.
Đó là một phát minh tuyệt vời, và là khởi nguồn cho tất cả hầu hết những gì chúng ta thấy hôm nay trên Internet.
Trong một vài năm đầu, HTML đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau. HTML phiên bản 2 vào năm 1995, sau đó là phiên bản thứ 3 và phiên bản thứ 4 vào năm 1997. Phiên bản mới nhất hiện tại là HTML5 được công bố vào năm 2011.
Theo thời gian, HTML ngày càng hoàn thiện hơn và trông ngày càng hợp lý. HTML phiên bản đầu tiên trông khá “ngô nghê”. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào năm 1994 khi Håkon Wium Lie giới thiệu đề xuất về CSS (Cascading HTML Style Sheets).
Hình ảnh dưới đây chính là người đàn ông đứng phía sau hầu hết những ma thuật thiết kế web ngày nay.
Phiên bản đầu tiên của CSS gây ra khá nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng nó quá đơn giản đối với nhiệm vụ quan trọng là thiết kế web. Nhiều người còn cho rằng để tạo style cho web, cần phải có một ngôn ngữ mạnh mẽ, thậm chí có cấu trúc đầy đủ như ngôn ngữ lập trình.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm CSS đã khẳng định được vai trò của mình trong giới thiết kế web và được W3C (World Wide Web Consortium) khuyến cáo sử dụng. Năm 1997, CSS phiên bản 2 ra đời và được dùng ngày càng rộng rãi trên các trình duyệt, bao gồm cả Netscape Navigator.
Nhắc tới Netscape Navigator, chúng ta nhắc về một lịch sử hoàng kim về một trình duyệt chỉ còn trong quá khứ, nhưng lại là tiền đề để chúng ta có được thế giới web ngày nay. Năm 1995, một lập trình viên của Netscape có tên là Brandan Eich đã phát triển một ngôn ngữ kịch bản và đặt tên là Mocha, ngôn ngữ lập trình hàng đầu mà chúng ta biết tới hiện nay - JavaScript.
Đây là người đàn ông đứng phía sau JavaScript.
Trên đây là những nét khái quát nhất về sự ra đời của bộ ba huyền thoại HTML + CSS + JavaScript mà chúng ta thấy trong mọi ứng dụng web hiện nay.
Tất nhiên, bộ ba này chưa đủ để tạo ra một thế giới web hùng mạnh nêu không nhắc tới các ngôn ngữ lập trình phía máy chủ.
Ngôn ngữ lập trình máy chủ web (Server Side Scripting)
Quay trở lại vào những ngày đầu của HTML, phản hồi của máy chủ web được gửi thông qua mã lệnh Shell, Python hay C. Java cũng được sử dụng rất sớm để phát triển ứng dụng web.
Năm 1994, Ramus Lerdorf đã viết bộ mã CGI (Common Gateway Interface) bằng ngôn ngữ lập trình C.
Điều đó giúp cho Ramus có thể tạo ra mã lập trình phía máy chủ một cách đơn giản cho trang cá nhân của anh ta (Personal Home Page). Điều đó cũng đã tạo ra một ngôn ngữ rất nổi tiếng trong giới lập trình web - PHP.
PHP trở nên ngày càng phổ biến, nó cũng là ngôn ngữ tạo ra nền tảng CMS phổ biến nhất hiện nay là WordPress. PHP cũng được dùng để tạo ra rất nhiều website nổi tiếng, ví dụ như Facebook.
Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của ASP, ngôn ngữ lập trình web sau đó được thâu tóm bởi Microsoft để phát triển ASP.NET và C# dùng để phát triển các ứng dụng web phía máy chủ.
Năm 2005, Ruby trở thành một hiện tượng mới để phát triển ứng dụng web. Trong đó, cái tên Ruby on Rails (RoR) đã được giới lập trình viên quen thuộc. David Heinemeier Hansson, người đàn ông trong ảnh dưới, chính là người đã tạo ra Ruby.
Ruby on Rails là framework phát triển web rất dễ sử dụng được phát triển trên nền tảng của ngôn ngữ lập trình Ruby. Nó đã tạo ra một thế hệ mới của các nhà phát triển ứng dụng web.
Cùng thời gian đó, năm 2005, framework Django cũng trở nên phổ biến. Django đã giúp Python trở thành ngôn ngữ lập trình phía máy chủ web. Và cho tới ngày nay, Python vẫn đang được sử dụng rộng rãi để phát triển các ứng dụng web.
Năm 2009, Ryan Dahl đã giới thiệu NodeJS, một cách tuyệt vời để giúp JavaScript trở thành một ngôn ngữ lập trình phía máy chủ web. NodeJS ngày càng trở nên phổ biến cho đến tận bây giờ, không chỉ trên môi trường trình duyệt mà còn ứng dụng trên nền tảng di dộng. Hình ảnh phía dưới chính là người đàn ông sáng tạo ra NodeJS.
Cuối cùng, hãy nhìn vào người đàn ông phía dưới này. Đó chính là Taylor Otwell, người đã công bố Laravel vào năm 2011. Laravel chính là framework phổ biến nhất hiện nay để phát triển các ứng dụng web.
Trên đây là tóm lược sự phát triển các ngôn ngữ lập trình phía máy chủ. Tất nhiên còn một số ngôn ngữ lập trình và nhiều framework chưa được nhắc tới, nhưng trên đây là nét cơ bản nhất, những mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ứng dụng web.
Kết luận
Chúng ta cần phải biết ơn những viên gạch đầu tiên, những công sức của các nhà phát triển. Nhờ chúng mà chúng ta có được một thế giới phát triển ứng dụng web sôi động hôm nay.
Có những ngôn ngữ hay công nghệ tồn tại mãi với thời gian. Cũng có những thứ được giới thiệu rồi biến mất. Tuy nhiên, đó là lịch sử. Tất cả chúng đều góp phần giúp chúng ta có được những điều tuyệt vời ngày nay.
Dịch từ: Devdojo