Tài liệu tiếng việtTận dụng triệt để khả năng của 'sóng não' để khai phá những tiềm năng còn ẩn giấu

Được viết bởi: Hust IT1


Não bộ không đơn thuần chỉ là một bộ phận của cơ thể con người. Sức mạnh con người có thể khai thác từ bộ phận nhỏ bé này vượt ngoài những gì chúng ta có thể tưởng tượng và chúng ta chỉ mới khai phá được một phần rất nhỏ tiềm năng của bộ não. Bạn có biết nếu con người sống với thể trạng tâm lý như một đứa trẻ - vô tư và hồn nhiên, không lo lắng – chúng ta có thể sống thọ tới 300 tuổi? Lý do là bởi khi chúng ta còn nhỏ, sóng não hoạt động rất mạnh. Vậy sóng não là gì mà lại có “quyền năng” lớn đến như vậy?


Sự hình thành sóng não


Hằng ngày, những thông tin chúng ta thu nhận được từ hoạt động của các giác quan sẽ được mã hóa thành các xung điện. Những bộ phận của não sẽ phối hợp với nhau để xử lý những thông tin này thông qua một hệ thống các tế bào thần kinh gọi là Neuron - những máy phát điện tí hon. Những máy phát điện này hoạt động liên tục và giải phóng điện tích, hình thành nên những chu kỳ điện thế nhất định - hay chúng ta vẫn gọi là sóng não. Tùy thuộc vào từng thời điểm, tính chất của những hoạt động khác nhau trong ngày mà những chu kỳ điện thế này cũng hoàn toàn khác nhau, hình thành nên những loại sóng não khác nhau.

Năm loại sóng não


Khi nói đến sóng não, hầu hết mọi người thường chỉ biết đến sóng alpha và sóng beta nhưng thực ra có tới 5 loại sóng não. Hãy cùng tìm hiểu đó là những loại nào và lợi ích của từng loại nhé:

Sóng Delta

Sóng Delta có tần số từ 0.5 – 4 Hz – loại sóng có tần số thấp nhất trong năm loại. Não bộ sẽ sản sinh ra sóng Delta khi chúng ta đạt trạng thái ngủ sâu – giấc ngủ khiến bạn sảng khoái nhất là khi bạn thức dậy với với cảm giác “mình mới ngủ mấy phút thôi mà nhỉ”. Đây là kiểu sóng não điển hình được phát hiện ở trẻ sơ sinh, những thiền sư chuyên nghiệp và có thể ở những người có trải nghiệm cận tử hoặc bị thương ở đầu. Sóng Delta giúp cơ thể chìm vào trạng thái thư giãn sâu nhất. Người trưởng thành rất hiếm khi trong trạng thái của sóng Delta khi tỉnh táo nhưng với trẻ sơ sinh, phần lớn thời gian trong ngày não bộ sản sinh sóng Delta giúp chúng luôn trong trạng thái thư giãn nhất. Đây là lợi ích lớn nhất của sóng Delta và cũng chính vì vậy, người ta thường sử dụng sóng Delta để cải thiện chứng khó ngủ.

Một trong những lợi ích khác của sóng Delta là kích thích sản sinh hormone chống lão hóa, cụ thể là giải phóng Melatonin và DHEA – 2 hormone chống lão hóa mạnh. Ngoài ra, sóng não Delta cũng có tác dụng làm giảm lượng Cortisol – một hormone gây ra stress được chứng minh đẩy nhanh quá trình lão hóa.



Như đã nói ở trên, sóng não Delta giúp con người chìm vào trạng thái thư giãn nhất. Tần số thấp của sóng Delta được biết đến như một liệu pháp chữa lành cơ thể và tinh thần. Sau một ngày làm việc, hoạt động mệt mỏi sóng não Delta sẽ “refresh” (làm mới) cơ thể bằng cách kích thích tái tạo lại những hoạt chất cần thiết khi chúng ta ngủ. Đây là lý do giải thích vì sao sau một giấc ngủ sâu bạn luôn cảm thấy thật sảng khoái. Ngay cả khi cuộc sống bề bộn không cho phép bạn ngủ 8 tiếng mỗi đêm thì một vài giờ ngủ sâu với sóng Delta sẽ khiến não bạn ghi nhận rằng cơ thể đã nạp đủ năng lượng bạn cần.

Sóng Theta

Sóng Theta có tần số 4 – 7 Hz. Sóng Theta xuất hiện khi cơ thể đang ở trạng thái thư giãn, tuy nhiên khác với sóng Delta, lúc này chúng ta đang trong trạng thái lơ mơ, nghĩa là bạn đang sắp chìm vào giấc ngủ hoặc sắp tỉnh dậy. Hoặc cũng có thể đó là khi bạn bắt đầu để “tâm hồn treo ngược cành cây”, lơ đãng nhìn ra xa xăm ra ngoài khung cửa sổ. Lúc này, chúng ta đạt được sự thông thái cao độ, mọi giác quan như được khai thông và bạn cảm giác như mình đang có cái nhìn sâu sắc về mọi thứ. Đây cũng là lúc nhiều ý tưởng vĩ đại có thể bất chợt nảy ra trong đầu bạn. Ở người trưởng thành, sóng Theta chỉ xuất hiện trong một vài khoảng thời gian ngắn trong ngày nhưng khá thường xuyên ở trẻ em và những người hay luyện tập thiền.

Khác với sóng Delta, cơ thể chìm vào trạng thái thư giãn và hoàn toàn vô thức thì sóng Theta giúp cơ thể thư giãn nhưng lại trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Sóng Theta có tác dụng thúc đẩy trí sáng tạo bởi lúc này cơ thể thư giãn và chúng ta có cơ hội khai phá, thả hồn trong vùng đất suy nghĩ. Những nghề nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo như nhạc sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ đều cho thấy mức độ hoạt động của sóng Theta rất cao khi họ tập trung vào công việc. Vì trẻ em thường xuyên trong trạng thái của sóng Theta nên chúng ta thấy rằng bọn trẻ rất sáng tạo, thường xuyên đặt nhiều câu hỏi ngay cả người lớn cũng khó trả lời.

Vùng hồi hải mã (Hippocampus) – một phần của não bộ đảm nhiệm chức năng ghi nhớ và hồi tưởng - là nơi sóng Theta thường xuyên đi qua. Khi hoạt động sóng Theta tăng lên, quá trình ghi nhớ và hồi tưởng trở nên dễ dàng hơn, từ đó dẫn đến khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức cũng được cải thiện. Đây là lý do giải thích vì sao khả năng tiếp thu kiến thức mới của trẻ em (như việc học ngôn ngữ chẳng hạn) tốt hơn rất nhiều so với người lớn.

Sóng Beta

Sóng Beta có tần số 12 – 30 Hz, là loại sóng não phổ biến nhất trong ngày, gắn liền với hoạt động của não trái. Sóng não Beta được hình thành khi chúng ta hoàn toàn tỉnh táo, tập trung và đang tham gia vào các hoạt động tinh thần như diễn thuyết, chơi thể thao,… Chính ngay lúc này đây, khi đang đọc bài viết này, não bạn cũng đang phát ra sóng Beta đấy. Trên thực tế, sóng Beta là nền tảng cho mọi hoạt động sống còn của con người. Sóng Beta luôn được mọi người biết đến với tác dụng cải thiện khả năng tập trung và sự nhạy bén. Khi bạn tập trung làm việc thì sóng Beta hoạt động mạnh nhất. Lúc này, bạn có thể hoàn thành công việc hiệu quả nhất cùng với một nguồn năng lượng dồi dào. Hiệu suất làm việc cũng từ đó cải thiện đáng kể.



Trong trạng thái sóng Beta hoạt động tích cực, bạn sẽ có khả năng suy nghĩ nhanh hơn rất nhiều so với bình thường, những ý tưởng mới cũng hình thành nhiều hơn. Cũng vì chính lý do này, bạn sẽ cảm thấy mình trở nên hoạt ngôn và hòa đồng hơn. Bạn có thể nói chuyện hàng giờ mà không gặp phải vấn đề nào cả. Những diễn giả, những người thường xuyên phải nói trước đám đông, giáo viên,… là những người có hoạt động của sóng Beta mạnh mẽ.

Tuy nhiên, quá nhiều sóng Beta cũng có thể gây nên một số vấn đề tiêu cực như stress, mất ngủ và trầm cảm.

Sóng Alpha

Sóng Alpha có tần số 8 – 14 Hz, gắn liền với hoạt động của bán cầu não phải. Sóng Alpha được hình thành khi chúng ta trong trạng thái không thực sự tập trung và tâm trí được tự do bay bổng, suy nghĩ miên man hoặc đang thư giãn khi chúng ta ngồi thiền. Ngoài ra con người cũng trải nghiệm sóng Alpha khi làm những việc chúng ta vẫn làm hàng ngày như làm vườn, trang điểm, cạo râu, tắm,… - những công việc mang lại cho chúng ta sự thư thái. Sóng Alpha có khả năng khắc chế tác động của sóng Beta, nghĩa là nó giúp bạn thư giãn nhưng vẫn có đầy đủ nhận thức và khả năng sáng tạo. Chính vì điều này mà người ta đặc biệt nhấn mạnh không nên nghe hai loại sóng não này cùng lúc.

Khi cảm thấy căng thẳng, có bao giờ bạn bất giác nhắm mắt lại một lát, thở sâu và khi mở mắt ra bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều? Lý do là khi chúng ta nhắm mắt lại, sóng Alpha được hình thành trong não bộ. Và như bạn có thể biết đấy, sóng Alpha có tác dụng đưa cơ thể và tâm trí về trạng thái thư giãn hơn. Không chỉ có vậy, sóng Alpha còn được được biết đến với khả năng cải thiện tâm trạng và cảm xúc. Khi não phát ra loại sóng này, Serotonin được giải phóng nhiều hơn. Serotonin là một chất trung gian hóa học của hệ thần kinh trung ương, tạo ra tâm trạng vui vẻ và hưng phấn ở con người. Hàm lượng Serotonin thấp thường là nguyên nhân gây ra trầm cảm và những vấn đề thần kinh khác như thường xuyên lo lắng và hốt hoảng.

Ngoài ra, cũng giống như sóng Theta (bởi bước sóng gần giống nhau), sóng Alpha cũng giúp “nâng cấp” trí sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn đang “tắc ý tưởng” nhưng khi ngả ghế nhắm mắt lại thì ý tưởng mới lại xuất hiện.

Sóng Gamma

Đây là loại sóng não có tần số cao nhất, từ 25 – 100 Hz. Mặc dù thế nhưng sóng này khá hiếm gặp. Sóng Gamma thường hay phát ra ở những thiên tài đặc biệt về âm nhạc, thi ca và hội họa hoặc những trường hợp biên độ cảm xúc gia tăng đột ngột như những cầu thủ khi ghi bàn thắng vàng hay những người trúng số độc đắc. Đặc biệt những thiền sư Tây Tạng có thể tự chuyển đổi sang sóng não Gamma bằng cách tập trung vào cảm giác từ bi, theo một nghiên cứu vào năm 2004 được đăng tải trên Proceedings of the National Academy of Sciences.



Sóng Gamma bắt nguồn từ vùng đồi não (Thalamus), di chuyển từ phía sau não ra phía trước và ngược lại 40 lần mỗi giây. Chính hoạt động quét cực nhanh này khiến cho con người ở trạng thái Gamma có thể đạt được đỉnh cao trong hoạt động thể chất và tinh thần. Bạn sẽ có cảm giác rằng mình có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn. Ở trạng thái của sóng Gamma, các phần của não bộ phối hợp một cách nhịp nhàng nhất, con người có thể xử lý một lượng lớn thông tin chỉ trong một khoảng thời gian cực ngắn. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy rằng giác quan của mình trở nên nhạy bén hơn: thức ăn trở nên ngon hơn, mọi thứ trở nên sống động và rõ ràng hơn,...

Tận dụng sóng não để “nâng cấp” bản thân


Với những lợi ích to lớn của mỗi loại sóng não, nếu biết tận dụng và chuyển đổi tần số sóng não một cách phù hợp, chúng ta có thể khai phá những tiềm năng lâu nay vẫn còn bị ẩn giấu của chính bản thân. Okay, tôi đã biết tác dụng những loại sóng não này rồi, mình chỉ cần “chỉ đạo” cho não bộ tạo ra loại sóng chúng ta cần thôi mà. Thực ra, mọi thứ không đơn giản như vậy, não bộ hình thành sóng não một cách hoàn toàn TỰ NHIÊN, và chúng ta không thể ép buộc chúng phát ra tần số sóng theo ý mình.

Tuy nhiên, tin vui là để đạt được trạng thái ý thức mong muốn, chúng ta có thể lựa chọn các hoạt động khác nhau để kích thích não bộ và thay đổi cấu trúc sóng não đấy. Hai phương pháp phổ biến nhất để kích hoạt những tần số sóng này là thiền định và nghe nhạc sóng não (Brainwaves music).

Nghe nhạc sóng não



Đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Nhạc sóng não chia thành hai loại: Nhạc song âm (Binaural Beats) và nhạc đơn âm (Isochronic Tones)

Nhạc song âm

Có nhiều người có thể thắc mắc, tại sao con người có thể nghe được những âm thanh có tần số thấp? Lý do là đây, nhạc song âm được tạo ra nhờ những bản nhạc ở 2 tần số khác nhau ở mỗi tai. Não bộ sẽ nhận ra sự khác biệt này và phát ra loại sóng não có tần số khớp với sự chênh lệch tần số giữa hai tai. Ví dụ: Nếu bạn nghe nhạc với âm thanh ở 210 Hz tác động vào tai phải và 200 Hz tác động vào tai trái thì não bộ sẽ hình thành sóng não ở tần số 10Hz.

Nhạc đơn âm

Nhạc đơn âm có tác dụng mạnh hơn so với nhạc song âm. Nhạc đơn âm sử dụng âm ở một tông duy nhất và bật – tắt ở một cấu trúc nhất định, tạo ra những nhịp âm thanh sắc nét và đặc biệt, tạo ra ấn tượng dài lâu trên não. Về cơ bản, khi nghe đơn âm, não bộ sẽ phải làm việc ít hơn mà vẫn tạo ra hiệu quả giống như khi nghe song âm.

Khi nghe nhạc sóng não, chúng ta nên sử dụng Headphone, nghe trong khoảng từ 15-30 phút và ở một nơi hoàn toàn yên tĩnh. Một lưu ý quan trọng là bạn không nên nghe cùng lúc những loại sóng não khác nhau, ví dụ nhạc sóng Alpha tuyệt đối không được nghe cùng nhạc sóng Beta. Tuy nhiên, nghe nhạc sóng não chỉ nên là một giải pháp mang tính tạm thời bởi nếu quá lạm dụng, chúng có thể khiến não bộ bị rối loạn. Phương pháp được các nhà khoa học khuyến khích trong việc thay đổi cấu trúc sóng não là thiền định.

Thiền định

Không như nhiều người lầm tưởng rằng thiền định chỉ dành cho các nhà sư, chú tiểu trong chùa, xu hướng sử dụng thiền định đang ngày càng trở nên phổ biến. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều bài báo về rất nhiều người nổi tiếng sử dụng thiền định như một công cụ để nâng cao chất lượng cuộc sống như Steve Jobs, Hugh Jackman,…Ví dụ điển hình nhất là các nhà sư, họ luyện tập thiền định mỗi ngày và như bạn thấy đấy, không chỉ là sức mạnh tinh thần mà thể lực của họ cũng ở thể trạng đáng kinh ngạc.



Thiền định không hề phức tạp như bạn nghĩ. Phương pháp thiền định đơn giản nhất là tập trung vào hơi thở. Những lưu ý khi thiền định:
- Lựa chọn một nơi thật yên tĩnh và thoải mái: Hãy tìm một nơi thật yên tĩnh mà bạn không bị làm “đứt nhịp”. Để bắt đầu, không quan trọng bạn ngồi hay nằm – chỉ cần bạn thoải mái là được. Bạn có thể ngồi bắt chéo chân hoặc nếu khó quá thì bạn có thể ngồi, miễn là ở một tư thế đủ vững chắc, đặt bàn tay hướng lên trời.
- Trở về thực tại: Đừng để tâm trí đi lang thang mà hãy nhận thức thế giới hiện tại xung quanh. Bạn có thể thấy gì? Bạn cảm thấy thế nào khi ngồi? Bạn có cảm thấy căng thẳng không? Suy nghĩ của bạn ở đâu?
- Tập trung vào hơi thở: Hít thở sâu. Hãy cảm nhận luồng không khí chảy trong khí quản, cảm nhận từng nhịp thở của mình.
- Cảm nhận cơ thể: Một khi tập trung, hãy chú ý tới cơ thể của chính bạn và cảm giác của từng phần trong cơ thể.
- Chăm chỉ luyện tập: Như mọi hoạt động khác trong cuộc sống, có công mài sắt, có ngày nên kim. Nhiều người quyết tâm rất lớn để luyện tập thiền nhưng lại phải bỏ dở giữa chừng vì không thể kiên trì. Để đạt được kết quả từ việc thiền định đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì rất lớn từ người tập. Nhớ nhé: Practice makes perfect.

Tóm tắt những điều quan trọng


- Nếu muốn cải thiện tức thời trạng thái tâm lý, bạn có thể sử dụng nhạc sóng não phù hợp: Khi khó ngủ, hãy nghe nhạc sóng não Delta. Khi stress, muốn relax thì nghe nhạc sóng não Alpha. Khi muốn tập trung, tỉnh táo hãy nghe nhạc Beta. Muốn có những khoảnh khắc “xuất thần”, bạn có thể thử nghe nhạc sóng Gamma
- Không nên nghe đồng thời nhiều loại nhạc sóng não một lúc vì có thể khiến não bị rối loạn
- Muốn tận dụng một cách tốt nhất các loại sóng não, hãy luyện tập thiền định.

Nguồn: Tận dụng triệt để khả năng của 'sóng não' để khai phá những tiềm năng còn ẩn giấu

Posted on March 26, 2019 08:26:37 PM


10
Donate free




Đăng nhập để tham gia thảo luận! Hoặc bạn có thể bình luận bằng facebook ở dưới.